Hiện nay trên thị trường dược phẩm, các loại thuốc cảm cúm vô cùng đa dạng với nhiều chủng loại, nhiều biệt dược của các công ty sản xuất khác nhau trong nước, liên doanh hoặc nước ngoài nhưng tựu chung có hai dòng thuốc cảm cúm, đó là: Thuốc có nguồn gốc thảo dược (cảm xuyên hương, bạch địa căn...) và thuốc hóa dược (decolgen, tiffy, panadol cảm cúm...).
Theo dược sĩ cao đẳng Nguyễn Thanh Chi, phố Hoàng Ngọc Phách, Hà Nội thì các thuốc cảm cúm có nguồn gốc hóa dược bán chạy hơn, thuốc cảm cúm thảo dược thường “kén” khách hơn, khách mua thường là cao tuổi, kỹ tính. Các loại thuốc cảm cúm thảo dược hiệu quả tác dụng cũng chậm hơn, phù hợp cho các đối tượng người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Tầng lớp thanh niên lại chuộng các dòng cảm cúm hóa dược vì cho kết quả nhanh.
Hiện một vỉ decolgen 4 viên có giá 5.000-7.000 đồng, tiffy cũng có giá tương tự decolgen, panadol cảm cúm có giá 11.000-12.000 đồng/vỉ 12 viên. Các thuốc cảm cúm dành cho trẻ em có dạng siro như decolgen 60ml giá 20.000-23.000 đồng/chai, tiffy 30ml giá 15.000-17.000 đồng/chai, cảm xuyên hương 60ml giá 25.000-30.000 đồng/chai.
DS. Chi cho biết, các thuốc cảm cúm kể cả hóa dược cũng phải uống từ 3-5 ngày mới đỡ, không có thuốc cảm cúm nào uống vào khỏi luôn. Thông thường bệnh nhân thường mua 1-2 vỉ về uống, hết lại ra mua tiếp, chỉ khi cần đi du lịch khách mới mua nhiều hơn để mang theo dự phòng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài, người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để có hướng xử trí đúng đắn.
Người dân khi bị cảm cúm nên tuân thủ các quy định dùng thuốc của nhà sản xuất, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, uống đúng giờ quy định. Những người có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn... cần chú ý đọc kỹ các thành phần có trong mỗi loại thuốc cảm cúm, vì có một số thành phần người bệnh không được dùng như người bệnh hen không được dùng thuốc cảm cúm có chứa clorpheniramin, vì các thuốc này làm giảm tiết dịch đường hô hấp, làm trầm trọng hơn bệnh hen...