Hà Nội

Thuốc bôi có corticoid: Không lành như bạn nghĩ

10-12-2018 07:16 | Dược
google news

SKĐS - Nhóm corticoid là thuốc được dùng phổ biến điều trị bệnh ngoài da. Đây là các thuốc hay bị người dân lạm dụng...

Nhóm corticoid là thuốc được dùng phổ biến điều trị bệnh ngoài da. Đây là các thuốc hay bị người dân lạm dụng, tự ý mua về sử dụng... Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng bệnh, không đúng cách sẽ gây nhiều tai biến, làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo.

Khi dùng điều trị các bệnh ngoài da (thậm chí là thuốc được bác sĩ kê đơn), người bệnh cần lưu ý về tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc này. Tác dụng phụ trên da là biểu hiện thường gặp khi dùng corticoid bôi. Đó là teo da (có thể xảy ra rất nhanh khi dùng thuốc bôi đặc biệt là khi bôi ở vùng da mỏng hoặc nếp gấp), trứng cá và tổn thương da dạng trứng cá, đôi khi viêm da quanh miệng, rạn da, giãn mạch, xuất huyết, rậm lông, rối loạn sắc tố, bùng phát nhiễm khuẩn, nấm, virut, làm chậm liền vết thương, viêm da tiếp xúc dị ứng do thành phần có trong tá dược.

Chứng trơ với corticoid hay xảy ra ở bệnh nhân có viêm da cơ địa hoặc eczema khi bôi corticoid mà tổn thương không đáp ứng hoặc tiến triển nặng hơn. Chứng phụ thuộc vào corticoid hay xảy ra khi dùng thuốc ở mặt, hậu môn, sinh dục, loại có hoạt tính cực mạnh và dùng với thời gian kéo dài với các triệu chứng cảm giác rát bỏng, dấm dứt ở vùng tổn thương. Với tình trạng phụ thuộc này, lúc đầu khi bôi thuốc có đáp ứng tốt, nhưng sau khi ngừng thuốc các triệu chứng trở lại và nặng hơn làm bệnh nhân không thể dừng thuốc. Do lớp sừng và thượng bì mỏng đi làm cho bệnh nhân dễ bị kích ứng da làm cho da trở nên nhạy cảm với các hóa mỹ phẩm. Lúc này cần dừng tất cả các loại thuốc bôi corticoid và thay bằng bôi các chất làm mềm da, các triệu chứng có tăng lên nhưng sau vài tuần, thậm chí vài tháng sẽ mất hoàn toàn.

Để tránh hoặc hạn chế tác dụng phụ của thuốc khi dùng cần lưu ý: Thời gian bôi thuốc và số lần bôi trong ngày phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc. Với các vùng da có đặc điểm giải phẫu khác nhau, cho khả năng hấp phụ thuốc khác nhau nên dùng thuốc có độ mạnh, nhẹ khác nhau. Ví dụ, ở vùng da dày như bàn tay, bàn chân nên dùng loại có hoạt tính mạnh, cực mạnh, còn ở mặt, bẹn bìu nên dùng loại vừa hoặc nhẹ. Diện rộng của vùng bôi thuốc cũng nên lưu ý, tránh bôi một vùng da rộng nhất là loại có hoạt tính mạnh vì dễ gây biến chứng toàn thân. Và, nếu bôi dạng thuốc mỡ với diện rộng sẽ gây hạn chế hô hấp của da. Bởi vậy, nếu có thương tổn lan toả toàn thân nên bôi luân chuyển từng vùng.

BS. Phạm Thị Lan


Ý kiến của bạn