Hà Nội

Thuốc “bổ não”, có nên dùng để phòng bệnh?

10-12-2019 07:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đối với những người bệnh bị thiểu năng tuần hoàn não, thường hay tìm đến với các thuốc “bổ não”. Vậy các thuốc này là gì. Có nên dùng để dự phòng bệnh?

Thiểu năng tuần hoàn não là hiện tượng thiếu hụt lưu lượng tuần hoàn não một cách có hồi phục được biểu hiện bằng dấu hiệu mất hoặc suy giảm chức năng não kéo dài dưới 1 giờ mà thường gặp là 2-15 phút. Đây là chứng bệnh khá thường gặp. Đôi khi chúng ta còn bắt gặp bệnh này với những tên gọi khác như thiếu máu não cục bộ thoảng qua, thiếu máu não cục bộ hay thiếu máu não. Về mặt lý thuyết, chúng là một. Lưu lượng máu não trung bình vào khoảng 50-60ml/100g chất não. Khi lưu lượng máu não dưới 50ml/100g chất não thì được coi là thiểu năng tuần hoàn não.

Biểu hiện của bệnh là bại yếu nửa người, giảm hoặc mất sự phối hợp điều hòa vận động, suy giảm thị lực, xuất hiện các dấu hiệu như nhìn đôi, nuốt khó, nói ngọng… kéo dài dưới 1 giờ. Việc chẩn đoán xác định thiếu máu não tạm thời hay thiểu năng tuần hoàn não cần phải được hỏi cụ thể, tỉ mỉ.

Thuốc “bổ não” mà nhiều người quen gọi thực chất là thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng tưới máu não.

Thuốc nào hay dùng?

Những thuốc hay sử dụng trong lâm sàng để điều trị cho những người bệnh này chủ yếu dựa theo hai cơ chế: Tăng cường tuần hoàn não và tăng cường vận chuyển ôxy cho não. Chúng bản chất là những thuốc giãn mạch nhằm tăng lưu lượng tuần hoàn não và các thuốc tăng trao đổi ôxy giữa máu và phổi, giữa máu và mô, nhằm làm tăng khả năng hấp thụ ôxy của tế bào thần kinh.

Thuốc “bổ não”, có nên dùng để phòng bệnh?Nguyên nhân dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não.

Các thuốc thường dùng bao gồm: Nhóm cinnarizine (stugeron), vinpocetin (cavinton), flunarizine (sibelium), ginko biloba (tanakan), piracetam (nootropin) và nhóm meclofexonat (lucidril), almitrine (duxil)… Tuy nhiên có một điều lưu ý là các thuốc giãn mạch chỉ có tác dụng cải thiện lưu lượng tuần hoàn não khi và chỉ khi tình trạng các mạch máu bình thường. Nghĩa là nếu mạch máu bị xơ cứng trầm trọng thì các thuốc này không hề có tác dụng.

Các thuốc có tác dụng cải thiện tuần hoàn não không nên được sử dụng quá dễ dãi theo quan niệm không có bệnh thì dùng cũng chẳng sao mà cần tuân theo những chỉ định dược lý của thuốc. Đối với bệnh nhân thiếu máu não tạm thời thì việc sử dụng thuốc tăng cường tuần hoàn não được coi là chỉ định hàng đầu vì nó sẽ ngăn chặn tế bào bị tổn thương, những tế bào mà khi đã bị tổn thương thì không có khả năng tái tạo. Ngoài những bệnh về thần kinh trung ương thì một số bệnh khác rất cần tới những thuốc này nhằm cải thiện sự hồi phục của tế bào. Chúng bao gồm: nhiễm độc thần kinh ốc tai tiền đình do nhiễm độc kháng sinh trị bệnh lao streptomycin, hội chứng Meniere, suy nhược thần kinh, bệnh nhân sau đột qụy… Tuy nhiên, chúng ta không thể coi chúng như là một phương thức “kê thêm” để bổ sung vào đơn thuốc cho những người đau đầu, mất ngủ chưa rõ nguyên nhân hay cho phòng ngừa.

Dùng như thế nào?

Không thể coi những thuốc làm tăng cường tuần hoàn não là những phương thuốc cứu cánh hay dự phòng bệnh. Bởi nó tuy là thuốc bổ, đứng theo phương diện trị bệnh, nhưng ở một khía cạnh nào đó nó cũng có những chống chỉ định nghiêm ngặt.

Cinnarizine và flunarizine đều là những hoạt chất ức chế histamin và có tác dụng ức chế canxi. Chính vì thế chúng có tác dụng giãn mạch, đặc biệt là những mạch nhỏ của não, nhưng lại gây ra buồn ngủ không cưỡng được và gây ra triệu chứng rối loạn vận động tự động (như run tay, tăng phản xạ, giật cục...) mà y học gọi là ngoại tháp, gây ra trầm cảm. Vì vậy, những thuốc này không được sử dụng ở những người đang phải điều khiển giao thông (đặc biệt nguy hiểm khi vừa uống thuốc vào lại tham gia giao thông), những bệnh nhân có triệu chứng ngoại tháp như bệnh Parkinson, những bệnh nhân bị bệnh tâm thần kiểu trầm cảm.

Tương tự, piracetam được coi là một thuốc có tác dụng cải thiện với trí nhớ và khả năng học thuộc. Mặc dù cơ chế thực sự chưa rõ nhưng người ta giả thiết là do nó làm tăng hoạt động tuần hoàn ở não và tăng tạo ra những chất trung gian thần kinh. Tuy nhiên, thuốc này lại có khả năng gây ra co giật ở những bệnh nhân nhạy cảm nên nó tuyệt đối không được sử dụng với bệnh nhân động kinh, những người mà triệu chứng đau đầu như là một yếu tố thường xuyên có.

Thế nên, không thể vì đó là thuốc “bổ” mà chúng ta nghiễm nhiên sử dụng chúng, không quan tâm đến những bất lợi, chống chỉ định của thuốc, càng không nên dùng để phòng bệnh…


BS. Yên Lâm Phúc
Ý kiến của bạn