1. Lạm dụng thuốc bổ gan có thể gây nhiễm độc gan
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc với tác dụng bảo vệ nhu mô gan, tăng cường chức năng gan, tăng thải độc gan... mà mọi người thường nói chung là thuốc bổ gan. Nhiều người tin rằng các thuốc bổ gan có nguồn gốc thảo dược (thuốc Nam, thuốc Đông y...), được chế biến từ cây cỏ thiên nhiên nên lành tính, an toàn cho sức khỏe.
Thực tế, có rất nhiều người tự 'kê đơn' thuốc bổ gan cho mình mà không cần bác sĩ khám, chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc. Họ không biết rằng, thuốc bổ gan không thể tùy tiện sử dụng. Bởi mỗi người, mỗi bệnh và cách dùng thuốc là hoàn toàn khác nhau.
Nếu sử dụng không đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời điểm có thể gây ra những tác dụng phụ đáng tiếc, gây hại cho gan… Việc lạm dụng quá mức thuốc bổ gan cũng có thể gây những tác dụng phụ nghiêm trọng: Gan bị nhiễm độc, viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan... Như vậy bổ chẳng thấy đâu mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
2. Các loại thuốc bổ gan và cách dùng hiệu quả
Các thuốc bổ gan chủ yếu phân thành 2 nhóm chính, bao gồm:
- Nhóm chiết xuất từ thành phần thảo dược, dược liệu như: Silymarin, silibinin, biphenyl dimethyl dicarboxylate...
- Nhóm các hợp chất tổng hợp bao gồm: Essential, methionine, cianidanol, flumeciol...
Mỗi nhóm thuốc có tác dụng, cách dùng khác nhau. Tùy từng, trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc nào cho phù hợp.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi dùng thuốc bổ gan, nên lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc bổ gan khi có bệnh: Về nguyên tắc, không có bệnh thì không dùng thuốc bởi việc dùng thuốc giống như "con dao hai lưỡi". Ngoài tác dụng chính giúp điều trị bệnh, thuốc có thể gây nên những tác dụng không mong muốn nếu lạm dụng, tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng đúng liều lượng, thời gian: Dùng liều cao và trong thời gian dài chất methionin có trong một số thuốc bổ gan, sẽ làm tăng homocystein máu, tăng homocystein niệu (nhất là với người bị tắc động mạch não hoặc ngoại vi thường có lượng homocystein máu cao), hoặc làm nặng thêm bệnh xơ vữa động mạch, tắc mạch bởi huyết khối, loãng xương.
Methionin có thể gây buồn nôn, ngủ gà, nhiễm toan, tăng nitơ máu (hay xảy ra ở người suy chức năng gan, thận). Chính vì vậy, phải dùng đúng chỉ định, thời gian sử dụng và liều lượng mới có hiệu quả và tránh được tai biến do thuốc.
- Dùng đúng thời điểm: Các thuốc bổ gan chỉ dùng để hỗ trợ gan trong việc cải thiện gan bị tổn thương, rối loạn chức năng chứ không thể thay thế được thuốc đặc trị.
Do đó, trước khi dùng các thuốc hỗ trợ, cần phải dùng thuốc chữa nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như đối với tổn thương gan do virus viêm gan B, trước tiên, cần sử dụng các thuốc giúp ức chế quá trình nhân lên của virus như tenofovir, entecavir, lamivudine. Thời điểm thuận lợi nhất dùng thuốc bổ gan là sau khi tình trạng bệnh gan đã ổn định hoặc đã tương đối ổn định.
- Kiêng bia, rượu: Một quan niệm sai lầm khác là người bệnh thần thánh hóa công dụng của thuốc, xem thuốc bổ gan là một "lá bùa hộ mệnh", khiến cho nhiều bệnh nhân không còn ý thức kiêng khem rượu bia, làm tình trạng bệnh gan không cải thiện mà còn có thể trầm trọng hơn.
Trong thời gian dùng thuốc bổ gan nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường, cần liên hệ với bác sĩ ngay, hoặc đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc bổ trong mùa thi cử.