Trong kho tàng phong phú về dược liệu y học cổ truyền, bên cạnh các loại thảo dược thì cũng có rất nhiều vị thuốc có nguồn gốc từ động vật có công dụng chữa bệnh hiệu quả được sử dụng từ lâu đời. Bài viết này xin điểm một số vị thuốc bổ can thận từ động vật mang tên long.
- Long cốt (Os Draconis): là xương đã hóa thạch của các loại động vật có vú cổ đại. Long cốt có vị ngọt, tính bình, quy kinh tâm, can có công năng trấn tâm, an thần, bình can tiềm dương, thu liễm cố sáp. Dùng trong các chứng tâm hồi hộp, mất ngủ, chóng mặt, đầu choáng váng, hoa mắt, hoặc di tinh, tiểu dắt, bạch đới, băng lậu, ra mồ hôi trộm. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, ngày 12 - 20g. Thường phối hợp với mẫu lệ đồng lượng. Dùng ngoài rắc vết thương.
- Địa long (Lumbricus): là toàn thân con giun đất (Pheretima asiatica Michaelsen). Theo YHCT, địa long có vị mặn, tính hàn, có tác dụng bình suyễn, trấn kinh, bình can hạ áp, giải độc, lợi niệu. Dùng khi bị hen suyễn, khó thở, khi bị co giật có thể phối hợp với câu đằng, bạch cương tàm. Khi bị phong thấp tê đau, bán thân bất toại, phối hợp với xuyên khung, hồng hoa, đào nhân, xích thược, đương quy, hoàng kỳ. Khi huyết áp tăng, dùng địa long 8g; hạ khô thảo, ngưu tất, mỗi vị 12g; rau má, lá tre mỗi vị 30g; tâm sen 4g; tang ký sinh, rễ cỏ tranh mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần. Uống nhiều tuần tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Ban long (lộc giác giao) được chế từ sừng hươu, nai. |
- Long duyên hương còn gọi long phúc hương hay long tiết. Tên khoa học là Ambragrea. Long duyên hương là một chất đặc, sản phẩm tiêu hóa trong ruột loài cá voi. Chất này bài tiết ra nổi trên mặt biển rồi trôi dạt vào bờ, người ta vớt về phơi khô làm thuốc và là nguyên liệu quý trong công nghệ hương liệu, là chất định hương cao cấp.
Thành phần hóa học có khoảng 25% chất ambrein, là dẫn xuất của cholesterol, acid benzoic, tác dụng lợi khí, hoạt huyết, giảm đau, sát khuẩn giống như xạ hương, dùng trong trường hợp ho, hen suyễn, đau trong tim, đau bụng, các chấn thương ứ huyết.
- Hải long hay rồng biển là một loài cá có tên khoa học Syngnathoides biaculeathus L. Bộ phận dùng toàn thân, bỏ ruột, phơi khô. Thành phần hóa học chứa nhiều acid amin và các chất lipid… tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương. Dùng làm thuốc bổ kích thích sinh dục, tăng cường sinh lý, chữa liệt dương, di tinh, phụ nữ khó mang thai, trường hợp đau lưng, mỏi gối, báng bụng. Ngoài ra còn có tác dụng chữa đinh độc, ung nhọt. Liều dùng 6-12g/ngày dưới dạng thuốc bột, sắc, hay thuốc rượu.
- Ban long còn gọi là lộc giác giao, là chế phẩm cao được bào chế từ gạc hươu, nai. Sở dĩ gọi ban long là chỉ con hươu sao, con vật có đốm (ban), quý như rồng. Thành phần hoạt chất chủ yếu gồm gelatin, các axít amin, calciphosphat, calcicarbonat, các chất nội tiết kích thích sinh trưởng. Ban long vị ngọt, tính ấm, quy kinh can, tỳ, thận; là thuốc ôn bổ hạ nguyên, bồi bổ dương đạo, sinh tinh tủy, mạnh gân xương, bổ huyết, chỉ huyết. Là thuốc quý chủ trị các chứng di tinh, yếu sinh lý, thiếu máu, hoại huyết, hoa mắt, chóng mặt, mắt mờ, suy nhược tạng phủ, cơ thể lao lực, người già sức yếu, lưng đau gối mỏi, băng lậu, phụ nữ hiếm muộn do xung nhâm hư tổn, rối loạn chức năng nội tiết. Thuốc có tác dụng an thai, cầm máu; chữa thổ huyết, khái huyết. Ngày dùng 10g ăn với cháo nóng, hoặc ngâm rượu uống.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh