Mất ngủ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do ngoại cảnh: tiếng ồn, lạ nhà, sự phiền muộn, chất kích thích (trà, cà phê, rượu), thuốc (chống trầm cảm, kích thíchhệ thần kinh trung ương, glucocorticoid…), sai lầm trong ăn uống( no quá, đói quá). Có thể do bệnh tiềm ẩn như: trào ngược dạ dày- thực quản, trầm cảm, hô hấp (hen suyễn), xương khớp (viêm xương khớp), tim mạch (suy tim), nội tiết (đái tháo đường, cường giáp)... Mất ngủ còn liên quan đến một số rối loạn giấc ngủ khác như: ngừng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ.
Hiện nay ở Việt Nam, người ta thường dùng thuốc Tây như diazepam (Seduxen, Valium) thuộc nhóm benzodiazepin để trị mất ngủ. Riêng ở Mỹ, Cục Quản lý Thực Dược phẩm (FDA) nước này chỉ chấp thuận 5 loại thuốc dùng trong điều trị mất ngủ: flurazepam (Dalmane), estazolam (Prosom, Nucfalon), temazepam (Normison, Restoril), triazolam (Halcion), quazepam (Doral). Ngoài ra, còn có một số thuốc mới như zolpidem (Stilnox), zaleplon (Sonata), zopiclone (Imovane), buspirone (Buspa)… Thuốc an thần gây ngủ có thể gây ra các tác dụng phụ có hại như: lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, làm thay đổi thái độ, hành vi… Nhưng nguy hại nhất là gây nghiện như ma túy.
Thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua dùng, vì dùng sai sẽ bị nghiện rất nguy hiểm. Phải luôn xem thuốc ngủ là một trong các yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ.
Người mới bị mất ngủ có thể dùng thuốc là dược thảo theo kinh nghiệm dân gian, có tác dụng an thần như: nhãn lồng, tâm sen, trinh nữ, lá vông nem… hoặc dùng thuốc từ thảo dược đã bào chế sẵn như Rotunda (củ bình vôi), Mimosa (phối hợp nhiều thảo dược).
Nếu thực hiện các biện pháp trên không cải thiện, thì nên đi khám bác sĩ để biết mất ngủ do nguyên nhân từ đâu, để có thể sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
- Nên ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định.
- Chuẩn bị giường ngủ thích hợp (thoáng, tối, yên tĩnh).
- Tránh uống cà phê, trà đậm vào tối trước khi ngủ.
- Tránh đi ngủ với khi quá no hoặc quá đói.
- Thường xuyên tập thể dục (không nên tập ít nhất 4 giờ trước khi ngủ).
- Luyện tập phương pháp thư giãn, chống stress (yoya, dưỡng sinh, thiền định).