Trước hết vài ngày, một người hàng xóm cạnh nhà sang nhờ tôi khám cho con chị ấy. Con không khóc nhưng mẹ thì nước mắt đầm đìa chỉ vì: “em lấy ráy tai cho con lỡn làm chảy máu, không biết cháu có bị thủng màng nhĩ (MN) không? Bác sĩ ơi, con em có bị điếc không, em lo quá!”.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tương tự khác tôi đã gặp ở bệnh viện cũng như tại phòng mạch. Tất cả các trường hợp này đều cho rằng thủng MN là bị điếc…
MN và chức năng MN
MN là một màng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa. MN có hình bầu dục, hơi lồi, giống như một hình nón với các phần rỗng của nón quay ra phía ngoài, và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai. MN bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám hồng. Thông thường, chúng ta có thể nhìn xuyên qua MN.
Cẩn thận khi ngoáy tai cho trẻ |
Sự rung động của âm thanh, năng lượng âm thanh, được tăng dần bởi vành tai và sự cộng hưởng của ống tai, làm cho MN dễ di chuyển ra sau và ra trước đáp ứng với những rung động. MN được gắn với xương búa ở tai giữa.
Ở tai bình thường, xương búa treo từ đầu MN tới điểm khoảng 2/3 MN hướng xuống. Tại điểm đầu xương búa gắn với MN, MN được kéo về phía tai giữa tạo thành chóp phía trong của hình nón.
Ánh sáng của đèn soi tai phản chiếu từ đầu xương búa đến đáy MN gọi là tam giác sáng. Tam giác sáng này hiện diện ở hầu hết các tai bình thường.
Mô của 4/5 dưới của MN chắc và được gọi là màng căng (pars tensa). 1/5 trên mềm vì bị thiếu lớp xơ được gọi là màng chùng.
Đầu xương búa khớp với đầu xương đe. Đáy xương đe và đầu của xương bàn đạp tạo thành khớp đe đạp. Đế xương bàn đạp được giữ ở cửa sổ bầu dục bởi dây chằng vòng.
Hệ thống này cho phép năng lượng âm học (acoustic energy) truyền từ MN tới cửa sổ bầu dục. Năng lượng ở giai đoạn này gọi là năng lượng cơ học.
Kích thước MN lớn gấp 17 lần so với cửa sổ bầu dục. Chuỗi xương nhỏ đóng vai trò như đòn bẩy để làm tăng áp suất âm thanh được truyền tới cửa sổ hình bầu dục khoảng 1,3 lần.
Thủng hoặc rách MN
Nguyên nhân thủng hoặc rách MN thường do: nhiễm trùng tai, dị vật đâm vào tai, gãy xương tai, gần tiếng nổ lớn hoặc do bị đánh vào tai… Các lỗ thủng nhỏ làm giảm độ nhạy nghe khoảng 10 - 15dB. Các lỗ nhỏ thường lành trong khoảng một vài tuần.
Thủng MN lớn đến mất hoàn toàn MN làm mất cơ chế đòn bẩy để tăng áp suất âm thanh gây giảm thính lực từ khoảng 20 - 30dB. Các lỗ lớn hơn đòi hỏi phải phẫu thuật vá MN, bịt lỗ thủng để ngoài tăng lại sức nghe đã mất còn bảo vệ tai giữa. Trong thang phân các mức độ khiếm thính thì mất đến 30dB thuộc khiếm thính nhẹ tức cách 1m không nghe được giọng nói thầm, nhưng nghe được giọng nói bình thường. Loại khiếm thính này mọi người hay gọi là nghe kém hay nghễnh ngãng.
Như vậy, nếu như chỉ rách MN, thủng MN hay mất MN đơn thuần thì chưa gây ra điếc mà chỉ gây nghe kém nhẹ.
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, dị dạng, chấn thương hoặc viêm nhiễm nặng làm MN và chuỗi xương nhỏ không còn. Đường dẫn truyền khí đưa âm thanh qua ống tai và hòm nhĩ đến cửa sổ bầu dục và cửa sổ tròn cùng một lúc. Một số hoặc tất cả các âm thanh mất đi, gây điếc nặng.
Điều quan trọng là khi thấy con bị chảy máu tai vì bất cứ nguyên nhân gì, không nên hốt hoảng mà phải bình tĩnh đưa con đến khám bác sĩ tai mũi họng để xem mức độ tổn thương đến đâu và tùy theo mức độ tổn thương tai, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách giải quyết phù hợp.
TTƯT.BS. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY