Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa

18-08-2011 08:10 | Đời sống
google news

Trẻ nhỏ có tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa cao nhất và càng lớn tuổi thì bệnh càng ít gặp do tai giữa được bảo vệ tốt hơn. Đối với các trường hợp viêm tai giữa không được điều trị đúng và kịp thời thì biến chứng thủng màng nhĩ rất dễ gặp.

Trẻ nhỏ có tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa cao nhất và càng lớn tuổi thì bệnh càng ít gặp do tai giữa được bảo vệ tốt hơn. Đối với các trường hợp viêm tai giữa không được điều trị đúng và kịp thời thì biến chứng thủng màng nhĩ rất dễ gặp.

Viêm tai giữa (VTG) cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm.

Vì vị trí giải phẫu của tai, xương chũm rất gần não, tĩnh mạch bên nên dễ gây nên biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Hipocrat đã từng nói rằng “Đau tai cấp tính kèm theo sốt cao liên tục vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn đến hôn mê mà chết”. Từ khi kháng sinh ra đời và được đưa vào chữa bệnh rộng rãi thì VTG và xương chũm cấp đã được điều trị hiệu quả nếu được điều trị kịp thời. Chỉ có bệnh nhân phát hiện muộn, đã có biến chứng hoặc đe doạ biến chứng mới cần phẫu thuật.

Đối tượng nào dễ bị viêm tai giữa?

VTG cấp thường gặp ở trẻ em từ 1-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch sau một số bệnh như sởi… thường dễ bị mắc bệnh VTG cấp. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 80%. 30% có thể tự khỏi. Khoảng 40% bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Tuổi càng lớn VTG cấp càng giảm vì tuổi càng lớn tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính càng giảm, chức năng vòi nhĩ càng tốt nên bảo vệ tai giữa tốt hơn, tổ chức VA dần teo đi ít gây tắc vòi nhĩ.

 Viêm tai giữa dễ gây thủng màng nhĩ.

Thủ phạm gây viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa do viêm nhiễm tại chỗ chủ yếu do viêm VA, amidal, mũi họng cấp, xoang; tắc vòi nhĩ: do u sùi họng, thay đổi áp lực đột ngột khi đi máy bay, lặn sâu… tình trạng dị ứng gây phù nề tắc  vòi; dị tật hở hàm ếch: các nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có >50% bệnh nhân hở hàm ếch bị VTG cấp; do vi khuẩn thường gặp: tụ cầu (Streptococus pneumoniae) 30%, virut cúm (Hemophilus influenzae) 23%…, Moraxella catarralis 14%.

Vỡ mủ là dấu hiệu nhận biết thủng màng nhĩ do viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ là dấu hiệu màng nhĩ đã thủng. Triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm hẳn, đỡ sốt, trẻ đỡ quấy khóc, hết tiêu chảy. Thăm khám thấy ống tai ngoài có mủ, màng nhĩ có lỗ thủng ở giữa hoặc trước dưới, mủ lúc đầu loãng, nhầy, sau đặc dần thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Nếu được điều trị kháng sinh, chống viêm, làm thuốc tai tốt, bệnh sẽ khỏi, màng tai có thể liền. Nếu giai đoạn này không được điều trị hay điều trị không kịp thời bệnh sẽ chuyển sang VTG mạn tính, hoặc viêm xương chũm cấp và có thể gây các biến chứng như: liệt mặt ngoại biên, viêm mê nhĩ, ù tai chóng mặt, viêm màng não…bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do bệnh tích lan qua khớp trai đá.

Chữa viêm tai giữa theo từng giai đoạn

Giai đoạn vỡ mủ: dùng kháng sinh, chống viêm uống hoặc tiêm, làm thuốc mũi xoang, làm thuốc tai hằng ngày đến khi tai khô, theo dõi trẻ đến khi màng tai liền hoàn toàn. Việc làm thuốc tai có ý nghĩa quan trọng, các thuốc nhỏ tai cần phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng vì một số thuốc dùng không đúng cách có thể gây điếc vĩnh viễn không phục hồi. Tuyệt đối tránh để nước vào tai.

Cần lưu ý những trẻ hay bị chảy mũi xanh, đặc, phải há mồm thở khi ngủ, hay sốt vặt và thường bị VTG cấp tái đi tái lại thì cần được nạo VA, cắt amidal, hút mũi xoang khi cần, chứ không chỉ điều trị nội khoa đơn thuần.

Phòng bệnh: để phòng tránh viêm tai giữa nói chung thì cần phòng chống các nguy cơ gây viêm nhiễm đường thở trên cấp tính như viêm mũi họng, viêm VA, viêm amydal, viêm xoang. Các gia đình có cháu nhỏ cần tạo một môi trường sống trong lành cho trẻ, khói thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh viêm nhiễm đường thở trên cấp tính và từ đó gây viêm tai giữa. Khi bị viêm nhiễm đường thở trên cấp tính cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Khi có các biểu hiện về tai thì cần được thăm khám và theo dõi tại chuyên khoa tai mũi họng. Việc nhỏ thuốc vào tai và làm thuốc tai phải theo đúng chỉ định của bác sĩ tai mũi họng, không nên tự điều trị.  

TS. Lương Hồng Châu


Ý kiến của bạn