Hà Nội

Thuê xe cứu thương chở khẩu trang trái phép đi tiêu thụ

21-04-2020 05:46 | Pháp luật
google news

SKĐS - Công an TP. Hải Phòng vừa kiểm tra, phát hiện và lập biên bản tạm giữ hơn 7.500 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc.

Từ đây, công an đã tìm ra cơ sở sản xuất khẩu trang trái phép với quy mô lớn, đáng chú ý, các đối tượng còn tinh vi thuê xe cứu thương chở khẩu trang đi tiêu thụ hòng trốn tránh cơ quan chức năng.

Phát hiện xe cứu thương chở 7.500 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc

Thông tin từ Công an TP. Hải Phòng cho biết, vào 9h30 ngày 19/4, tại khu vực chân cầu Đăng thuộc xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Tổ công tác Kinh tế - Môi trường tiến hành kiểm tra xe ô tô cứu thương mang nhãn hiệu Huyndai Grand Starex BKS: 15 B-02991, do Phạm Văn Vương (SN 1980, ở 38/418 Đồng Hòa, Kiến An), điều khiển chở 3 thùng khẩu trang y tế. Quá trình kiểm tra, Phạm Văn Vương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên. Hành vi trên đã vi phạm quy định vận chuyển hàng hóa trên đường không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Khoản 5 điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013; Khoản 1 điều 13 Thông tư 166/2013-TT-BTC: Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Tang vật gồm 7.500 khẩu trang không rõ nguồn gốc bị cơ quan công an thu giữ.

Tang vật gồm 7.500 khẩu trang không rõ nguồn gốc bị cơ quan công an thu giữ.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 3 thùng giấy chứa 150 hộp khẩu trang y tế (tương đương 7.500 chiếc) không có xuất xứ nguồn gốc. Tiến hành xác minh, Phạm Văn Vương khai nhận số lượng khẩu trang trên chở thuê cho một xưởng may gia công tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng. Cùng ngày, lực lượng công an tiến hành kiểm tra tại xưởng đóng mũi giày Khánh Nga, tại thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, do Nguyễn Quốc Khánh (SN 1966), đứng tên. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, vợ đối tượng là Nguyễn Thị Nga (SN 1973), đã thu gom nguyên liệu và thuê nhân công tiến hành sản xuất khẩu trang trái phép, không được cơ quan chức năng kiểm định. Để trốn tránh, Nguyễn Thị Nga đã thuê xe cứu thương vận chuyển số khẩu trang đi tiêu thụ. Tiến hành khám xét tại xưởng của vợ chồng Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Thị Nga, cơ quan công an phát hiện thêm 55 vỏ hộp nhãn hiệu Hinaco; 4 hộp thành phẩm đóng trong vỏ hộp ghi “Khẩu trang kháng khuẩn cao cấp” gồm 200 chiếc, còn 800 chiếc khẩu trang (500 chiếc khẩu trang màu xanh và 300 khẩu trang trắng) hàng rời chưa đóng vào hộp.  Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, mở rộng.

Cần xử lý nghiêm hành vi sản xuất khẩu trang không phép

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trong trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và người phạm tội phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn với số lượng thu giữ lớn tuy nhiên hầu hết các vụ việc mới chỉ bị xử phạt hành chính. Theo luật sư Thủy, mặc dù, việc các cơ quan chức năng có quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của đối tượng vi phạm và kết quả xác minh của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hành vi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh, răn đe các đối tượng chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật.

Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý làm giả khẩu trang, thiết bị y tế

Liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh khẩu trang giả, không phép, cá biệt có những sự việc đối tượng thu thập khẩu trang đã dùng để tái sử dụng. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, từ ngày 31/1 đến ngày 19/4/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 8.271 vụ, xử phạt hành chính số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.


Hải Phong
Ý kiến của bạn