Giá xăng mỗi lít bán ra cho người tiêu dùng đang bao gồm 8.244 đồng tiền thuế, phí các loại nhưng Bộ Tài chính chưa tính đến phương án giảm vì lo ảnh hưởng tới ngân sách.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, khi quyết định điều chỉnh giá xăng dầu tối 7/7, Bộ Tài chính công khai cơ cấu tính giá. Theo phụ biểu này, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá CIF nhập xăng về cảng là 16.444 đồng mỗi lít, sau khi tính tất cả các chi phí, lợi nhuận định mức, thuế, và trích quỹ bình ổn, giá cơ sở lên đến 26.148 đồng một lít. Để chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng và bù lỗ cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho phép sử dụng 500 đồng mỗi lít từ quỹ bình ổn giá, đưa giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng tối đa còn 25.648 đồng một lít.
Như vậy, nếu so với giá CIF, thuế phí đang chiếm nửa giá xăng. Còn so với giá bán lẻ, tiền thuế, phí tương đương một phần ba.
Tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính diễn ra chiều 8/7, đa số các câu hỏi tập trung vào việc điều chỉnh giá xăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Một số ý kiến cho rằng, hiện sức cầu trên thị trường còn yếu. Giá xăng tăng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải nâng chi phí giá thành sản phẩm, càng làm sức cầu yếu hơn, nhà sản xuất không có động lực để vượt qua thời điểm khó khăn. "Tại sao Bộ chưa tính đến phương án giảm thuế để kìm giá xăng vì mặt hàng này đang phải gánh quá nhiều loại thuế", một ý kiến chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã cân nhắc mọi phương án điều hành giá xăng dầu. Thuế là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ nếu tăng hoặc giảm và cũng không thể thực hiện ngay lập tức.
Các câu hỏi tại cuộc họp cũng tập trung đề nghị Bộ Tài chính làm rõ tác động của giá xăng tới diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Từ đầu năm tới nay, giá xăng tăng 5 lần với tổng cộng 1.430 đồng một lít.
Ông Tuấn cho biết, mỗi lần tăng giá, cơ quan quản lý đều có đánh giá tác động tới CPI. "Khi điều chỉnh, chúng tôi đều cân đối việc sử dụng quỹ bình ổn để tránh gây sốc với điều hành giá, nên từ đầu năm CPI vẫn ở mức độ kỳ vọng của Chính phủ. Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì mức tăng còn nhiều hơn", vị này nhận định.
Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm thu ngân sách ước đạt 413.600 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán cả năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nội địa đạt 280.650 tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi ngân sách 492.400 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 8,8% cùng kỳ.
Bội chi ngân sách ước 78.800 tỷ đồng, bằng 35,2% mức Quốc hội quyết định đầu năm.
Theo VnExpress