Công an TP Huế vừa phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế làm rõ đối tượng Phạm Thị Lệ T. (SN 1994, trú tại tỉnh Quảng Trị) về hành vi trộm cắp tài sản.
Khoảng 15h ngày 9/3, chị C. (trú tại TP Huế) trình báo công an việc bị mất trộm tiền và vàng với giá trị trên 300 triệu đồng. Đối tượng nghi vấn là người giúp việc mà chị này thuê qua mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, chị C. không rõ tên tuổi, địa chỉ cư trú của đối tượng.
Vào cuộc xác minh, chỉ sau 6 giờ gây án, đối tượng T. bị Công an TP Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ khi đang lẩn trốn tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Bước đầu, T. khai nhận, khoảng 15 giờ ngày 9/3, khi đi lên phòng ngủ ở tầng 2 để lấy áo quần thấy có một túi xách đựng tiền và vàng để sơ hở trong thùng giấy. Nổi lòng tham, đối tượng lấy số tiền 13.900 USD và 1 lắc tay kim loại màu vàng của chị C., rồi bỏ trốn vào TP Đà Nẵng bán toàn bộ số USD sang tiền Việt Nam.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Huế cho biết, đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật như vậy, trong quá trình điều tra xác định, đối tượng T. thuộc diện hoàn cảnh. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định.
"Qua vụ việc trên, khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tiến hành thực hiện các giao dịch trên mạng xã hội. Hiện tượng mạo danh, dùng nick ảo, chiếm đoạt thông tin của người khác khá phổ biến và tinh vi. Người dân cần cẩn thận, xác định rõ danh tính, địa chỉ cụ thể tránh bị lừa đảo, thậm chí rước nguy hiểm vào nhà như vụ việc nói trên", lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự chia sẻ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Võ Thị Tuệ Minh - Công ty Luật An Doanh (Thừa Thiên Huế) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi lợi dụng sơ hở của người khác chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Trong vụ việc này, theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, hành vi chiếm đoạt tài sản của T. là nguy hiểm cho xã hội, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân, gây mất trật tự trị an xã hội trên địa bàn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Võ Thị Tuệ Minh cho rằng, khi thực hiện hành vi nêu trên, T. là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. T. ý thức được việc trộm cắp tài sản của người khác là trái pháp luật và bị pháp luật nghiêm trị nhưng vẫn cố tình thực hiện thể hiện sự coi thường pháp luật. Như vậy, hành vi mà T. thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS.
Về hình phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản của T., theo luật sư Võ Thị Tuệ Minh, cơ quan điều tra cần xác định các tình tiết vụ án cũng như giá trị tài sản bị chiếm đoạt để có khung hình phạt hợp lý. Tuy nhiên, T. có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm theo Khoản 3 Điều 173 BLHS khi chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 500.000.000 đồng trở lên.
"Người dân cũng cần cảnh giác hơn nữa trong việc quản lý tài sản của mình nhất là đối với các tài sản có trị giá lớn. Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh đối với những gia đình thuê người giúp việc cần cẩn trọng hơn nữa trong việc giữ gìn bảo quản tài sản của mình", luật sư Võ Thị Tuệ Minh chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sở GTVT Hà Nội giải thích lý do không thể xén vỉa hè thu hẹp rào chắn đường Nguyễn Xiển| SKĐS