Hà Nội

Thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công: Cần một cơ chế phù hợp

07-06-2017 17:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Tính đến nay, trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt.

Tính đến nay, trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt. Đồng thời, các bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế thì công tác vận hành cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí và cán bộ có chuyên môn kỹ thuật, dẫn đến hiệu quả xử lý không cao. Với mục tiêu đảm bảo tất cả chất thải lỏng bệnh viện khi xả thải ra ngoài đều phải được qua xử lý, một giải pháp có khả năng tháo gỡ nút thắt này là thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức.

Xử lý nhưng chưa đúng chuẩn

Thông tin từ Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo kết quả thực hiện Đề án 2038 (Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2020), trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt. Trong khi đó, mục tiêu của đề án đặt ra là đến năm 2020 đảm bảo 100% các cơ sở y tế ở các tuyến từ Trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.Hiện nhiều bệnh viện đang tự xử lý chất thải rắn bằng lò đốt thủ công.

Hiện nhiều bệnh viện đang tự xử lý chất thải rắn bằng lò đốt thủ công.

Đáng chú ý, với chất thải rắn y tế nguy hại, hiện nay có 60,4% bệnh viện thuê vận chuyển ra ngoài xử lý và 39,6% bệnh viện tự xử lý ở những nơi không có đơn vị cung cấp. Khoảng 1/3 số bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung nơi có đông dân cư sinh sống. Đây thực sự là những mối nguy đe dọa môi trường và cuộc sống người dân.

Trong khi đó chỉ có 2 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ. Số lò đốt rác này mới chỉ phục vụ cho 453 bệnh viện và cơ sở y tế, chiếm khoảng 40% số bệnh viện.

Còn với nước thải y tế, hiện hầu hết là xử lý tại chỗ. Kinh phí đầu tư cho xử lý nước thải y tế chủ yếu từ ngân sách nhà nước với quy mô dưới 20 tỷ đồng. Bởi vậy, tỷ lệ nước thải y tế được xử lý cả bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cần loại bỏ những vướng mắc

Theo phân tích của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu của việc không hoàn thành mục tiêu của Đề án 2038 là do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng công trình nước thải y tế. Kinh phí này rất lớn, khoảng từ 10-30 triệu đồng/1m3 nước thải tùy theo quy mô và công nghệ.

Trung bình một bệnh viện tuyến tỉnh đầu tư công nghệ xử lý nước thải y tế công nghiệp cũng phải hàng chục tỷ đồng. Nếu đầu tư công nghệ của nước ngoài có thể lớn hơn rất nhiều lần. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho các cơ sở y tế công là do Nhà nước đầu tư.

Bên cạnh đó, sau khi đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải y tế, các cơ sở y tế phải bố trí kinh phí, nhân lực để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thường xuyên công trình xử lý nước thải y tế. Mà rất nhiều bệnh viện hiện nay không tự chủ hoàn toàn về tài chính, do đó không có đủ kinh phí để đáp ứng.

Để sớm xóa bỏ những bất cập này, hiện nay, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế. Theo đó, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức (phân theo 3 nhóm bệnh viện) bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công tự chủ sẽ do bệnh viện tự chi trả và được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với các bệnh viện chưa tự chủ được sẽ do ngân sách và nguồn kinh phí khác chi trả.

Theo đánh giá, hầu hết các bệnh viện đều nhất trí với cơ chế thuê ngoài dịch vụ xử lý này. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tới cơ chế giá dịch vụ sẽ phải theo giá thị trường, sự tự chủ của bệnh viện đến đâu trong cơ chế chọn lựa và quyết định nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cơ chế có thể “làm khó” các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện ít số giường hoặc các cơ sở y tế có ít bệnh nhân.

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, đã tập hợp hết những ý kiến đóng góp về vấn đề này và sẽ nhanh chóng có những đề xuất để tháo gỡ, hoàn chỉnh cho phù hợp nhằm nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo 100% các cơ sở y tế ở các tuyến từ Trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.


Bình An
Ý kiến của bạn
Tags: