Hà Nội

Thuê đất trồng khoai - Chuyện đáng ngờ ?

25-07-2011 14:05 | Thời sự
google news

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến việc thương lái Trung Quốc vào nước ta thu gom nông sản và thuê đất để… trồng khoai lang. Nhìn vào giá mua nông sản và thuê đất thật mừng nhưng liệu sau nỗi mừng này còn có nỗi lo nào khác lớn hơn?

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến việc thương lái Trung Quốc vào nước ta thu gom nông sản và thuê đất để… trồng khoai lang. Nhìn vào giá mua nông sản và thuê đất thật mừng nhưng liệu sau nỗi mừng này còn có nỗi lo nào khác lớn hơn?

Cái lợi trước mắt

Theo tính toán của các nhà khoa học thì các hộ nông dân trồng lúa trên một công đất chỉ lãi khoảng 3 triệu đồng/công đất, nhưng vẫn diện tích ấy cho người Trung Quốc thuê đất để trồng khoai lang có thể thu được khoảng 4,5 triệu/công đất. Vẫn trên mảnh đất của mình, nếu tự chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai thì bà con phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng/công đất nhưng người Trung Quốc sau khi thuê được đất đã thuê mướn nhân công với giá rất cao: 120.000 đồng/ngày; trả lương cho người giỏi kỹ thuật lên đến 5 - 6 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp này, người Trung Quốc đến thuê đất thật “dễ tính” khi bà con đòi tăng thêm quyền lợi khi cho thuê đất, người Trung Quốc cũng dễ dàng chấp thuận. Theo điều tra của báo Lao động tại 2 huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long), trường hợp ông Năm Mừng (ấp Thuận Phú B) được trả trước 3 năm toàn bộ số tiền cho thuê đất, sau đó ông đã sắm được chiếc máy cày và dùng nó làm thuê cho người Trung Quốc là người thuê đất của ông. Chính sự “dễ tính” của người thuê đất trồng khoai và cái lợi trước mắt của bà con mà người này giới thiệu cho người kia, hộ này mách bảo cho hộ nọ, theo tính toán thì chỉ vài vụ mùa nữa là bà con sẽ nhất loạt cho thuê toàn bộ số đất còn lại.

Đất trồng lúa cho người Trung Quốc thuê để trồng khoai. Giá tiền thuê đất là 30 triệu đồng/ha/năm 2010 nhưng chỉ năm sau đã tăng lên 50 triệu đồng/ha/năm (2011). Ngoài ra, cứ mỗi ha, bên cho thuê được trả thêm 10 triệu đồng chi phí cải tạo đất để trồng làm lúa trở lại khi không còn thuê đất trồng khoai. Tất cả đều là “hợp đồng miệng” và tiền thuê đất được trả trước 1 năm. Riêng người làm trung gian được hưởng lợi 100 đồng/kg khoai – số khoai được tính khi thu hoạch và xuất khẩu sang Lạng Sơn.

Quả là món lợi bất ngờ!

 Nhiều diện tích ở hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) đã được người Trung Quốc thuêa để trồng khoai lang.

Nhiều nỗi lo!

Là người Việt, không ai không mừng khi bà con nông dân mình có lợi hơn, thu nhập khá hơn trên chính mảnh đất của mình. Tuy nhiên, tôi không khỏi có những nỗi lo.

Phàm những mối lợi bất ngờ nhiều khi đi kèm những nỗi lo phía sau. Chúng ta đã có những bài học như râu ngô, chân trâu bò, lõi dây đồng được mua với giá cao bất ngờ không thể tưởng tượng nổi. Thế nhưng sau đó là lương thực nuôi gia súc thiếu hụt, đàn trâu bò sụt giảm và nạn cắt trộm dây điện, điện thoại tăng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Nhìn vào việc thu mua nông sản gần đây cũng không khỏi ái ngại khi nông sản chạy qua biên giới, các nhà máy chế biến nông sản ở ta liệu sẽ hoạt động ra sao. Và rồi đến lúc nào đó, vải thiều chẳng hạn, có như dưa hấu ngày nào chất thành núi bỏ thối ở vùng biên?

Băn khoăn chính vì việc mua bán đều theo đường tiểu ngạch mà không có sự ký kết xuất nhập khẩu chính thức giữa hai cơ quan có đủ tư cách pháp nhân. Việc người dân bỏ đất trồng lúa để cho người Trung Quốc thuê trồng khoai càng đáng lo hơn. Cũng không hề qua con đường chính thức giữa hai nhà nước mà dường như là chuyện dân hai nước với nhau. Giả dụ sau này khi những cánh đồng khoai thay cánh đồng lúa và người Trung Quốc không tiếp tục thuê nữa? Liệu chúng ta có thể lại trồng lúa được không khi trong quá trình trồng khoai, những chất hóa học kích thích khoai tăng trưởng có thể làm hỏng đất trồng lúa?

Thóc gạo cũng là vấn đề an ninh lương thực tối quan trọng của quốc gia. Bà con ta sẽ làm gì với mảnh đất không thể trồng được lúa vốn là truyền thống từ bao đời nay?

Cho thuê đất trồng khoai nhưng ai, cơ quan nào giám sát việc quản lý đất để “hợp đồng miệng” hôm nay bị chấm dứt sau một thời gian nữa? Những băn khoăn xin gửi đến các cơ quan có trách nhiệm, rất mong nhận được lời giải đáp.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn