Hà Nội

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giữa các vùng miền

27-11-2021 06:20 | Xã hội

SKĐS - Một đặc điểm nổi bật của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam nằm ở sự phân bố địa lý không đồng đều, vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Con trai nối dõi... là nguyên nhân dẫn đến các tỉnh phía Bắc có TSGTKS cao  

Phân tích số liệu sinh cho thấy tỷ số giới tinh khi sinh (TSGTKS) dao động từ mức gần như bình thường ở các vùng phía Nam trong khi đạt mức cao hơn mức trung bình của cả nước ở phía Bắc, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng.

 Theo ước tính của cuộc tổng điều tra năm 2019, TSGTKS dao động từ mức khoảng 1,05 ở các tỉnh phía Nam đến mức trên 1,18 ở một số tỉnh gần Hà Nội. Trong khi ở các tỉnh phía Bắc, TSGTKS có thể cao hơn kỷ lục của thế giới. Những khác biệt vùng miền này liên quan đến sự khác biệt về mức sinh mà còn liên quan đến sự khác biệt về văn hóa và kinh tế xã hội và tác động của chúng đến tâm lý ưa thích có con trai nỗi dõi cuả nhiều gia đình.

Mất cân bằng giới tính khi sinh - có khác biệt giữa thành thị và nông thôn? - Ảnh 1.

Tâm lý ưa thích con trai thường nặng nề ở các cộng đồng thuộc khu vực nông thôn.

So sánh với những số liệu quốc tế công bố trước đây, đồng bằng sông Hồng có mức mất cân bằng gần với mức cao nhất từng quan sát thấy trên thế giới. Vì có lịch sử giống với Trung Quốc và các vùng lân cận, đây được coi là khu vực của Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất của truyền thống Nho giáo với tâm lý "trọng nam, khinh nữ". 

Hai vùng khác là Đông Nam Bộ và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có TSGTKS gần với mức trung bình cả nước. Các vùng này có chung đặc điểm là lựa chọn giới tính trước sinh tăng nhẹ và có sự pha trộn giữa các nhóm dân số. Thực tế là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung gồm các tỉnh gần với đồng bằng sông Cửu Long về phía Nam và đồng bằng sông Hồng về phía Bắc. Khu vực Đông nam bộ là một phần của miền Nam Việt Nam, nhưng tiếp nhận luồng dân di cư lớn từ khắp nơi trên cả nước trong bốn mươi năm qua, vì vậy cơ cấu xã hội của khu vực này gồm nhiều thành phần. Điều này có thể giải thích vì sao TSGTKS ở đây cao hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam.

Sự khác biệt về TSGTKS giữa khu vực nông thôn và thành thị 

Một khía cạnh quan trọng khác trong mất cân bằng giới tính khi sinh là sự khác biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị. Không có một nguyên tắc chung nào về sự liên quan giữa TSGTKS và khu vực nông thôn/thành thị. Ví dụ, tỷ số này cao hơn ở khu vực thành thị của Ấn Độ, nhưng lại thấp hơn ở các khu vực thành thị của Trung Quốc. 

Ở Việt Nam sự khác biệt của tỷ lệ sinh trẻ em trai giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị không lớn. Vào năm 2014, TSGTKS tại khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (110,1 so với 113,1), nhưng lại cao hơn một chút cho giai đoạn 2010-2014 (112.2 và 111.2). Độ chênh giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng không có ý nghĩa thống kê trong thời gian 5 năm về trước theo kết quả dựa trên số liệu cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở khu vực nông thôn và thành thị là tương tự nhau. Sự khác biệt về TSGTKS giữa các vùng và giữa khu vực thành thị - nông thôn của vùng, đó là đặc trưng của Việt Nam.

Tỷ lệ sinh con trai cao hơn tại khu vực thành thị có thể được lý giải bởi vai trò của mức sinh thấp, mức sống cao hơn, và dễ dàng tiếp cận với công nghệ siêu âm thai; những yếu tố này đặc trưng cho khu vực đô thị. Ngoài ra, thành phần dân tộc tại khu vực thành thị cũng khác, với người Kinh chiếm đa số ở các thị trấn và thành phố, ngược với khu vực nông thôn, bao gồm miền núi phía Bắc hoặc miền Trung. Tuy nhiên, TSGTKS cao hơn tại các đô thị không phải lúc nào cũng đúng cho tất cả mọi nơi ở Việt Nam. Trên thực tế, hai khu vực nông nghiệp trù phú nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long lại có TSGTKS cao hơn tại khu vực nông thôn. 

Tâm lý ưa thích con trai thường nặng nề ở các cộng đồng thuộc khu vực nông thôn và trong các gia đình nông dân với quan điểm con trai đóng vai trò đặc biệt về kinh tế và xã hội trong gia đình. Vì đa phần người cao tuổi ở khu vực nông thôn không được hưởng lương hưu và sống chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của con trai.

Hơn nữa, trong khi đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chủ yếu là nông thôn, hai khu vực này có mật độ dân số cao với mạng lưới dày đặc các thị trấn và thành phố, trái ngược hẳn với những khu vực nông thôn khác nơi dân số thưa thớt và cách biệt hơn. Trong những khu vực có mật độ dân số cao này, việc tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khỏe không phải là vấn đề và mức sinh cũng khá thấp. Đây là hai khía cạnh được biết là có liên quan đến lựa chọn giới tính.

Đồng bằng sông Hồng là một khu vực duy nhất có TSGTKS tăng từ mức 113 tại khu vực thành thị lên 119 tại khu vực nông thôn. Đây là khu vực duy nhất ở Việt Nam có sự khác biệt rõ ràng TSGTKS giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tại khu vực này, ưa thích con trai rõ ràng là gốc rễ tạo ra sự khác biệt này. 

Sự khác biệt trong tư tưởng ưa thích con trai giữa thành thị và nông thôn có thể được đo lường thông qua hành vi sinh sản và được chuyển hóa thành lựa chọn giới tính trước sinh theo hướng để có được con trai.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm chủng an toàn ở TP.HCM

Lê An
Ý kiến của bạn