Thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đáng báo động: Luật sư chỉ cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình

23-05-2025 12:51 | Pháp luật
google news

SKĐS - Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì người bán hàng hóa phải đảm bảo bán hàng hóa đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng chủng loại, đúng mẫu mã và đảm bảo các cam kết theo thỏa thuận giữa các bên. Đặc biệt là đối với lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì quy định tại Điều 439 Bộ luật Dân sự 2015, nếu hàng hóa được giao không đúng chủng loại thì bên mua có thể xử lý theo những cách sau đây: Nhận hàng hóa và thanh toán tiền hàng theo giá do các bên thỏa thuận; Yêu cầu bên bán giao hàng hóa đúng chủng loại và thực hiện bồi thường thiệt hại; Hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại nếu việc giao hàng hóa không đúng chủng loại của bên bán làm cho bên mua không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Nếu hàng hóa được giao gồm nhiều chủng loại mà bên bán giao không đúng chủng loại so với thỏa thuận tại hợp đồng đối với một hoặc một số loại hàng hóa thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại hàng hóa đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo bộ luật dân sự và luật thương mại thì đều có quy định là trong trường hợp bên bán hàng giao hàng không đúng chất lượng thì bên mua cũng có quyền từ chối nhận hàng, nếu đã nhận hàng rồi thì có quyền yêu cầu đổi hàng, có quyền trả lại hàng hóa và yêu cầu hoàn lại tiền, bồi thường thiệt hại nếu có.

Thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đáng báo động: Luật sư chỉ cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình- Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Bởi vậy trong trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng hóa kém chất lượng, nghi ngờ là hàng giả, hàng được giao không đúng chủng loại, mẫu mã, không đúng chất lượng như cam kết thì có quyền từ chối nhận hàng, nếu đã nhận rồi, quá trình sử dụng mới phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì có quyền liên hệ với bên bán hàng để yêu cầu đổi hàng, trả hàng, hoàn tiền, bồi thường thiệt hại, yêu cầu xin lỗi.

Trong trường hợp bên bán hàng cố tình không hoàn tiền, đổi hàng hoặc phát hiện ra dấu hiệu buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng, có thể là ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, cơ quan quản lý thị trường, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật để được xem xét giải quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xử lý người bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng thì người mua hàng cần lưu lại các thông tin, chứng cứ để chứng minh có giao dịch đó, đồng thời lưu lại mẫu sản phẩm để xác định chất lượng của sản phẩm, lưu lại thông tin phản hồi, trao đổi với bên bán hàng hoặc đơn vị sản xuất, trong trường hợp cần thiết thì có thể đi kiểm định, đề nghị giám định. Khi trình báo sự việc với cơ quan chức năng thì phải làm rõ thỏa thuận mua bán, đặc điểm của hàng hóa, quá trình giao dịch, thanh toán và những nghi ngờ về chất lượng của hàng hóa.

Thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đáng báo động: Luật sư chỉ cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình- Ảnh 2.

Một số sản phẩm là hàng giả, hàng nhái vừa bị Công an Hà Nội bắt giữ. Ảnh: Công an Hà Nội.

Theo khoản 6, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì quyền của người tiêu dùng như sau: "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết".

Đồng thời tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như sau: "Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường".

Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả, kém chất lượng. Nên ngoài việc trình báo sự việc với cơ quan chức năng để vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý đối với các đơn vị kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì khách hàng, người tiêu dùng cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể được thực hiện bằng một thủ tục độc lập theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc khởi kiện đến tòa án để được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong trường hợp trình báo sự việc với cơ quan chức năng mà cơ quan chức năng yêu cầu bên bán hàng, bên sản xuất cung ứng sản phẩm phải thực hiện khắc phục hậu quả đối với khách hàng mà sự việc được giải quyết thì không cần phải khởi kiện.

Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tố tụng hình sự để xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm thì người tiêu dùng, người mua hàng được xác định là người bị hại, có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự đó

Bởi vậy để bảo vệ quyền lợi của mình thì người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, thông tin về đơn vị sản xuất, về giá trị, chất lượng, mẫu mã, chủng loại, giá cả, điều kiện an toàn và bảo hành của sản phẩm. Thỏa thuận về phương thức giao hàng, cam kết về chất lượng sản phẩm.

Trong trường hợp nghi ngờ là sản phẩm giả, bị lừa dối hoặc bị lừa đảo thì cần lưu lại các chứng cứ về giao dịch đó và trình báo sự việc với cơ quan chức năng, có thể là ủy ban nhân dân phường, công an phường, hoặc công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý thị trường hoặc các cơ quan chức năng khác có liên quan để được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Cận cảnh một số sản phẩm trong đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả mới bị triệt pháCận cảnh một số sản phẩm trong đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả mới bị triệt phá

SKĐS - Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả do Phạm Ngọc Tiến (SN 1988, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu, thu giữ 100 tấn hàng hóa.


T.Sơn
Ý kiến của bạn