Theo số liệu Chính phủ Nhật Bản, số lượng này đã đạt mức kỷ lục 9.753 người trong năm 2023, chủ yếu do điều kiện làm việc kém và nhiều nguyên nhân khác.
Chương trình thực tập kỹ thuật của Nhật Bản hiện đang quy định, trong ba năm đầu, người lao động không được phép chuyển nơi làm việc vì họ phải phát triển kỹ năng trong lĩnh vực đã chọn. Tuy nhiên, chương trình có ngoại lệ cho phép chuyển việc trong những trường hợp "bất khả kháng".
Theo đó, Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản sẽ sửa đổi các hướng dẫn để làm rõ rằng thực tập sinh có quyền chuyển việc nếu họ bị ngược đãi, quấy rối tình dục, hoặc nơi làm việc có hành vi vi phạm luật pháp và hợp đồng. Các sửa đổi này cũng cho phép những người bị quấy rối và đồng nghiệp của họ yêu cầu chuyển công tác. Trong thời gian chuyển việc, thực tập sinh sẽ được phép làm thêm bán thời gian tối đa 28 giờ mỗi tuần để trang trải chi phí sinh hoạt.
Số lượng thực tập sinh bỏ việc không thông báo đã tăng đều trong những năm qua, từ 5.885 người năm 2020 lên 9.006 người năm 2022 và tiếp tục tăng trong năm 2023. Đặc biệt, nhóm lao động Việt Nam chiếm phần lớn với 5.481 người, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người và Trung Quốc với 816 người, theo Bộ Tư pháp Nhật Bản. Đáng chú ý, gần một nửa số lao động này làm việc trong ngành xây dựng.
Ngoài ra, các hướng dẫn mới sẽ có thêm điều khoản cho phép thực tập sinh chưa tìm được công việc mới có thể chuyển sang chương trình lao động tay nghề cụ thể. Trong khi chờ đợi thi lấy chứng chỉ cần thiết, họ sẽ được làm việc tạm thời dưới dạng visa hoạt động được chỉ định.
Chương trình thực tập sinh nước ngoài của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1993, đã nhiều lần bị chỉ trích là phương tiện để nước này nhập khẩu lao động giá rẻ. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch thay thế chương trình hiện tại bằng một hệ thống mới vào năm 2027, cho phép thực tập sinh chuyển việc sau một đến hai năm làm việc.