Hà Nội

Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch

SKĐS - Người bệnh đái tháo đường có bệnh tim mạch không chỉ cần kiểm soát tốt đường máu mà còn cần kiểm soát tốt cân nặng, huyết áp và mỡ máu. Người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để ngăn ngừa biến chứng tim mạch.

Chế độ ăn giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe, không lo biến chứngChế độ ăn giúp người bệnh đái tháo đường sống khỏe, không lo biến chứng

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Vậy người bệnh cần ăn uống thế nào để duy trì được mức đường huyết an toàn, sống khỏe mạnh, không lo biến chứng?

Biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch là khi động mạch bị tổn thương, làm cho quá trình xơ vữa động mạch xuất hiện sớm hơn, phát triển nhanh hơn. Bệnh đái tháo đường chính là một yếu tố nguy cơ có tỷ lệ gây ra biến chứng tim mạch nhiều nhất ở cả nam và nữ.

Các biểu hiện chủ yếu của bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường:

Bệnh mạch vành

Biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường rất nghèo nàn. Rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi khám kiểm tra sức khoẻ mới tình cờ phát hiện được. Vì vậy, những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường phải thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim.

Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch - Ảnh 2.

Biến chứng tim mạch gặp nhiều ở người bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở…

Bệnh lý mạch máu não

Thường gặp là tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng, cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc có thể tử vong.

Các biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ...

Bệnh lý mạch máu ngoại biên

Người bệnh thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ. Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu hết đi, bệnh nhân lại có thể tiếp tục đi được cho đến khi lại xuất hiện lại các triệu chứng đau. Lúc đầu, quãng đường đi bộ còn dài, sau đó người bệnh sẽ thấy quãng đường này bị rút ngắn dần. Ngoài ra còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi; sờ mạch có thể thấy mạch mu chân mất hoặc yếu; mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp...

Người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch nên ăn những thực phẩm nào?

Trái cây và rau xanh

Đây là một trong những nguồn thức ăn cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin cho cơ thể. Bên cạnh đó, trái cây và rau xanh chứa nhiều chất xơ nhưng rất ít calo nên có thể hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch.

Ngũ cốc nguyên hạt

Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch - Ảnh 4.

Ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm cholesterol LDL xấu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Tất cả các loại ngũ cốc nguyên hạt được tạo thành từ ba phần của hạt gồm: mầm, nội nhũ và cám. Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến bao gồm lúa mì, gạo nâu, yến mạch, lúa mạch đen, lúa mạch, kiều mạch và quinoa.

So với các loại ngũ cốc thông thường được xay mịn, các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ hơn, giúp giảm cholesterol LDL xấu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Đạm ít chất béo

Trong các thực phẩm giàu chất đạm, cá thường chứa nhiều axit béo không no có tác dụng giảm rối loạn mỡ máu. Người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Ngoài ra nên ăn thịt gia cầm, thịt nạc hoặc các thực phẩm được chế biến từ những nguồn đạm ít béo như trứng, sữa ít béo, sữa chua...

Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cần ăn các loại dầu thực vật, chúng chứa chủ yếu các axit béo không no, cần thiết cho cơ thể và hạn chế gây xơ vữa động mạch.

Thực phẩm cần hạn chế

Thực phẩm nhiều cholesterol

Người bệnh cần hạn chế ăn các thức ăn làm tăng rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch. Đó là các thức ăn chứa nhiều cholesterol, mỡ bão hòa và mỡ chiên (mỡ trans) như các loại thịt mỡ, nội tạng động vật; hải sản như cua, tôm, các loại thịt đỏ, bơ, pho mát, trứng gia cầm. Khi chế biến các loại thịt nên loại bỏ bớt mỡ, da là các thành phần chứa nhiều chất béo bão hòa.

Hạn chế muối

Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường có biến chứng tim mạch - Ảnh 5.

Ăn nhạt để giảm gánh nặng cho tim.

Ăn nhiều muối sẽ dẫn đến tăng giữ nước trong cơ thể và trong máu, hậu quả là tăng huyết áp và tăng gánh nặng cho tim. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm ở những người có suy tim. Vì vậy người bệnh cần hạn chế lượng muối ăn xuống dưới 4g/ngày, tương đương với 1.500mg natri. Natri không chỉ có trong muối ăn, các gia vị mặn như bột canh, các loại nước chấm... mà còn có trong các loại thực phẩm tự nhiên và đặc biệt là có nhiều là trong các thực phẩm chế biến sẵn.

Bia rượu, thuốc lá

Người bệnh nên hạn chế lượng bia rượu uống hàng ngày tương đương lượng cồn có trong 60ml rượu mạnh đối với nam và 30ml đối với nữ. Một điều vô cùng có hại đối với bệnh tim mạch là hút thuốc lá, kể cả hút chủ động và thụ động, người bệnh nên tránh tuyệt đối.

Người bệnh đái tháo đường mắc các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng. Vì thế, kể cả khi chưa mắc các bệnh tim mạch thì người bệnh đái tháo đường không chỉ cần kiểm soát tốt đường máu mà còn cần kiểm soát tốt cân nặng, huyết áp và mỡ máu. Không hút thuốc để ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Khi đã mắc thêm các bệnh tim mạch rồi thì cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các yếu tố này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?


BS. Lê Danh Toàn
Ý kiến của bạn