Thực phẩm siêu chế biến những những thực phẩm đã trải qua nhiều quá trình chế biến, trong đó có nhiều công đoạn không thể tự làm tại nhà, mà làm tại các nhà máy: Hydro hóa, tạo khuôn..., không sử dụng gia vị nấu nướng thông thường (dầu, muối, đường) mà dùng sản phẩm công nghiệp (chất tạo ngọt nhân tạo, protein thủy phân, dầu hydro hóa và chất nhũ hóa).
Hiện nay các loại thực phẩm siêu chế biến này được bán phổ biến, sẵn có trên thị trường. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo bão hòa / chuyển hóa, đường tinh luyện cũng như thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo TS Filippa Juul, Đại học New York, việc chế biến thực phẩm trong nhà máy có thể loại bỏ các chất dinh dưỡng có lợi, bổ sung những chất không có lợi, và nó cũng làm thay đổi cấu trúc vật lý của thực phẩm. Ăn những thực phẩm này có liên quan đến thừa cân/béo phì, tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường typ 2.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm của Juul đã xem xét dữ liệu từ một nghiên cứu kéo dài ở Mỹ, bao gồm hơn 3.000 người trưởng thành, độ tuổi trung niên (trung bình 53 tuổi và 1/3 có trình độ đại học). Khoảng 20% mắc bệnh tăng huyết áp và gần 6% mắc bệnh đái tháo đường. Gần 70% là người hút thuốc trước đây hoặc hiện tại, và hầu hết là người da trắng.
Các nhà nghiên cứu đánh giá chế độ ăn của họ qua bảng câu hỏi về việc tiêu thụ một số loại thực phẩm trong năm trước. Trong thời gian theo dõi trung bình 18 năm, 648 trường hợp gặp phải các biến cố tim mạch, bao gồm 251 ca bệnh tim mạch, 163 ca bệnh mạch vành và 713 người tử vong, bao gồm 108 ca tử vong do bệnh lý tim mạch.
Các tác giả nhận thấy rằng, những người tham gia có lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cao nhất có tỷ lệ mắc "các biến cố tim mạch" như bệnh tim và tử vong do các nguyên nhân tim mạch cao hơn. Và dường như có một mối quan hệ giữa lượng thực phẩm chế biến được ăn mỗi ngày và nguy cơ tim của một cá nhân.
Ví dụ, khi ăn mỗi khẩu phần thức ăn siêu chế biến sẵn mỗi ngày, sẽ làm gia tăng 7% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nặng (bao gồm một tai biến tim mạch như đau tim), 5% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nói chung, và 9% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Nghiên cứu cũng phân tích rủi ro đối với các loại thực phẩm chế biến cụ thể bao gồm bánh mì, thịt chế biến quá kỹ, đồ ăn nhanh mặn và nước ngọt ít calo, tất cả đều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo các tác giả, cần có các chiến lược toàn dân, chẳng hạn như đánh thuế đồ uống có đường và các loại thực phẩm siêu chế biến khác, có các khuyến nghị về mức độ chế biến trong hướng dẫn chế độ ăn uống quốc gia là cần thiết để giảm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến.