Trên thực tế, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường mầm non ở Phú Thọ không phải là hiếm bởi từ đầu năm học mới 2017-2018 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ ngộ độc thực phẩm ở các trường học…
Sau ăn cơm, uống sữa… nhiều trẻ ở trường học bị ngộ độc thực phẩm
Về sự việc 145 trẻ mầm mon ở Phú Thọ bị ngộ độc thực phẩm, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ, sau bữa ăn chiều 16/11 tại Trường mầm non Hương Lung (huyện Cẩm Khê), có 145/478 cháu có biểu hiện nôn, buồn nôn, một số sốt nhẹ, nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm. Các cháu đã được gia đình đưa đến cơ sở y tế, trong đó 118 cháu được đưa đến Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê thăm khám, một số khác được chăm sóc tại trạm y tế xã. Sau khi được các bác sĩ thăm khám đã có 68 trẻ chỉ định nhập viện điều trị. Hầu hết các cháu sau đó đã được về nhà. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan đã tiến hành thu các mẫu thực phẩm cho trẻ ăn chiều 16/11 để xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân. Cơ quan này cũng đã lấy 3 mẫu thức ăn (gồm: bánh dày, thịt băm và canh rau) và 4 mẫu nôn để xét nghiệm.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm ở Phú Thọ được điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, khoảng gần 8 giờ ngày 27/10, ngay sau khi uống sữa miễn phí tại trường, khoảng 500 học sinh của Trường tiểu học Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo nhà trường đã cùng cơ quan chức năng gọi xe cấp cứu và đưa học sinh đến trung tâm y tế. Trung tâm y tế thị xã Ngã Bảy ngay lập tức đã tiếp nhận hàng trăm trẻ vào cấp cứu. Đáng chú ý, khoảng gần 40 trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu, những trẻ khác cũng có những biểu hiện trên nhưng tình trạng nhẹ.
Hay vụ ngộ độc thực phẩm khiến 73 em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hầu Thào, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai phải vào BVĐK huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thăm khám bởi các dấu hiệu ngộ độc thức ăn với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và đau bụng, sau khi ăn cơm bán trú tối ngày 20/9 tại trường.
Trước đó vài ngày, liên tục tại một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn Hà Nội đã có hàng chục học sinh bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... phải nhập viện. Đó là sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 40 học sinh kêu đau bụng, sáng dậy kèm theo sốt, nhiều em còn bị tiêu chảy dẫn đến phụ huynh phải cho con mình đến một số bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô để khám và điều trị. Hay vào ngày 12/9 vừa qua, đã có 9 trẻ rối loạn tiêu hóa phải vào viện sau bữa ăn ở Trường mầm non Lại Yên (Hoài Đức, Hà Nội).
Kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, bán, tặng miễn phí... các sản phẩm thực phẩm khu vực trường học
Cũng như các vụ ngộ độc trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm tại Phú Thọ, ngày 17/11, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc, tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại địa điểm kinh doanh, bảo quản sản phẩm, lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng.
Cục ATTP cũng đề nghị Sở Y tế Phú Thọ tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các chương trình quảng cáo, bán, nhân đạo, tặng miễn phí… các sản phẩm thực phẩm trong khu vực trường học. Chỉ cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm về an toàn thực phẩm, bảo quản ở điều kiện đảm bảo yêu cầu. Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản đối với các thực phẩm ăn ngay, cung cấp cho học sinh. Xử lý nghiêm và không cho phép hợp đồng đối với các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh tra, Cục ATTP cũng cho biết, vừa qua, Đường dây nóng của Cục đã nhận được thông tin về thực phẩm bẩn, bữa ăn mất an toàn tại các trường học ở một số địa phương. “Do đó, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hằng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn hãy gọi cho chúng tôi. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra” - ông Trần Văn Châu nói.