Thực phẩm người cao tuổi nên ăn trong mùa thu để nâng cao sức khỏe

SKĐS - Nâng cao sức khỏe người cao tuổi giai đoạn thời tiết chuyển mùa như hiện nay là rất quan trọng. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học sẽ giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

 7 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng với người cao tuổi 7 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng với người cao tuổi

SKĐS - Ở người cao tuổi, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ là rất cao. Nếu biết cách cân bằng chế độ ăn uống, không những giữ được sức khỏe thể chất dẻo dai mà còn duy trì được đời sống tinh thần lạc quan với người cao tuổi.

Thời điểm giao mùa, trong điều kiện thời tiết thất thường, lúc nắng nóng rồi lại chuyển mưa, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi ngày càng kém đi và dễ bị ảnh hưởng những tác động của thời tiết khiến nguy cơ mắc bệnh càng cao. 

Hơn nữa, nhu cung cấp năng lượng cho cơ thể của người cao tuổi giảm dần theo tuổi. Hoạt động của các cơ quan tiêu hóa cũng yếu đi, việc nhai cắn thức ăn trở nên khó khăn do răng hư, mất răng, răng không còn chắc khỏe. Khi nuốt thức ăn vào cũng khó hơn, dạ dày, ruột cũng bị nhỏ lại. Ăn khó tiêu và dễ bị bệnh táo bón do nhu động ruột giảm… Do đó để nâng cao sức khỏe ở người cao tuổi cần xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Người cao tuổi nên ăn gì để nâng cao sức khỏe?

Tăng cường rau xanh và trái cây

Để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, nhất là thời tiết mùa thu khô hanh, người cao tuổi nên ăn nhiều rau tươi, các loại đậu đũa, đậu Hà Lan, trái cây chín. Mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh, 100g trái cây chín tươi.

Ăn rau tươi, trái cây chín vừa cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi như các vitamin và khoáng chất, đồng thời góp phần tăng cảm giác no, dẫn đến hạn chế ăn nhiều cơm.

Thực phẩm người cao tuổi nên ăn trong mùa thu để nâng cao sức khỏe - Ảnh 2.

Rau xanh và trái cây cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.

Ăn nhiều cá, đậu, vừng lạc

Tình trạng thiếu đạm rất dễ xảy ra ở người cao tuổi do khả năng tiêu hóa hấp thu chất đạm giảm. Các loại thực phẩm cung cấp nguồn chất đạm thực vật từ đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành, lạc, vừng... rất cần được bổ sung vào khẩu phần ăn cho người cao tuổi.

Nên ăn ít nhất 3 bữa cá trong tuần. Để có thêm canxi đề phòng loãng xương ở người cao tuổi thì nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương.

Uống đủ nước

Người cao tuổi thường ít có cảm giác khát nước nhưng không phải vì thế mà hạn chế uống nước trong ngày. Mỗi ngày cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước sẽ giúp thận hoạt động tốt, bài tiết các chất cặn bã tốt hơn đồng thời làm giảm táo bón.

Uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa

Thực phẩm người cao tuổi nên ăn trong mùa thu để nâng cao sức khỏe - Ảnh 3.

Sữa cung cấp nhiều dinh dưỡng quan trọng cho người cao tuổi.

Sữa và các chế phẩm từ sữa (như phô mai và sữa chua các loại) đều là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho người cao tuổi, như protein, chất béo, canxi, vitamin A, vitamin B12 và vitamin D.

Đặc biệt, canxi là khoáng chất cần thiết để giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa bệnh loãng xương, hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh và cơ bắp. Trong khi, vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi được hiệu quả hơn, nhờ đó góp phần quan trọng vào việc củng cố xương chắc khỏe.

Nguyên tắc ăn uống giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe

Ăn uống điều độ

Nên chia nhiều bữa nhỏ từ 4 đến 5 bữa trong ngày. Không ăn quá no trong một lần, tránh ăn quá muộn buổi tối, quá cận giờ ngủ.

Ăn sớm

Qua độ tuổi 50, hệ tiêu hóa sẽ trở nên kém hơn, quá trình tiêu hóa chậm hơn. Vì vậy, thời gian ăn cũng cần phải có sự thay đổi so với trước. Theo đó, người cao tuổi nên ăn trước 7 giờ tối và ăn ít hơn so với bữa trưa. Thức ăn cũng nên là những thực phẩm dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất. 

Sau đó, trước khi đi ngủ từ 1-2 tiếng, người cao tuổi nên uống một cốc sữa nóng, giúp dễ ngủ và ngủ ngon, sâu giấc hơn.

Thực phẩm người cao tuổi nên ăn trong mùa thu để nâng cao sức khỏe - Ảnh 5.

Người cao tuổi nên ăn sớm và điều độ.

Chế biến đa dạng

Khi chế biến thành phần cấu tạo các món ăn trong bữa ăn hàng ngày nên thay đổi, đa dạng, phong phú, lưu ý nấu các món có hỗn hợp nhiều gia vị để kích thích ăn ngon miệng, nấu thức ăn mềm để dể tiêu hóa như cháo, súp, các món hầm và phải có món canh.

Để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi bằng chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cho người cao tuổi là tìm được nguồn vui trong bữa ăn hàng ngày. Nguồn vui do bản thân người cao tuổi biết cách giữ gìn ăn uống điều độ hay còn tạo ra từ sự chăm sóc, tình cảm của người thân trong gia đình quan tâm đến vấn đề ăn uống, chế biến các món ăn mà người cao tuổi yêu thích.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.



BS. Nguyễn Tấn Quang
Ý kiến của bạn