Hà Nội

Thực phẩm nên tránh đối với trẻ bị viêm VA và sau nạo VA

SKĐS - Viêm VA là bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Những triệu chứng khó chịu của bệnh khiến trẻ luôn mệt mỏi, quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn, ăn dễ nôn trớ… Vậy, trẻ bị viêm VA cần được chăm sóc dinh dưỡng thế nào để mau hồi phục?

Trẻ bị viêm VA dễ bị nôn trớ, biếng ăn

Khi bị viêm VA cấp, trẻ thường có biểu hiện: Sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, khó thở, ăn kém, bỏ bú hoặc bú không liên tục do ngạt mũi…

Viêm VA cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì rất dễ chuyển thành mạn tính. Khi bị viêm VA mạn tính, trẻ thường xuyên bị chảy mũi, ngạt mũi, khó thở, thường phải thở bằng miệng…

Những triệu chứng của viêm VA khiến trẻ rất mệt mỏi, hay quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn, ăn dễ nôn trớ… Bệnh lại rất hay tái phát gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ và tình trạng dinh dưỡng ngày càng kém đi.

Vì vậy, để tăng hiệu quả điều trị, giúp trẻ nhanh hồi phục, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt.

Bệnh viêm VA ở trẻ em - Dấu hiệu, các biến chứng và mức độ bệnh cần nạo VA  Bệnh viêm VA ở trẻ em - Dấu hiệu, các biến chứng và mức độ bệnh cần nạo VA

SKĐS - Bệnh viêm VA rất dễ tái đi tái lại khi thời tiết thay đổi khiến trẻ luôn mệt mỏi, khó thở, bỏ bú, biếng ăn, quấy khóc… và có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Trẻ bị viêm VA nên ăn gì?

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng

Trẻ bị viêm VA thường khó ăn nên trong khi điều trị cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo, súp... 

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị viêm VA - Ảnh 2.

Trẻ bị viêm VA nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như súp...

Các loại thức ăn cần đảm bảo 4 nhóm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên chế biến hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ. Nấu chín kỹ thức ăn và cho trẻ ăn thức ăn khi còn ấm.

Chia nhỏ bữa ăn

Do trẻ khó chịu nên khó có thể ăn hết suất như bình thường. Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, cách khoảng 2 tiếng cho trẻ ăn một lần. Đối với trẻ còn bú, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu. Trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước để giảm đờm đọng ở cổ trẻ, giúp trẻ đỡ bị nôn trớ khi ăn.

Cho trẻ ăn rau xanh, trái cây

Nên cho trẻ ăn thêm rau xanh và trái cây giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, kẽm… để tăng cường sức đề kháng, giúp chống viêm, dịu họng, loãng đờm. Nên ăn các các loại rau, trái cây như: cà chua, cà rốt, bí đỏ, cải bó xôi, rau ngót, bông cải xanh; lê, đu đủ, xoài...

Uống thêm sữa

Trong khi trẻ bệnh thường ăn uống kém hơn bình thường nên để tăng cường dinh dưỡng cha mẹ nên cho trẻ uống thêm sữa vì sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp bổ sung protein, canxi, vitamin, lợi khuẩn giúp trẻ hấp thu và tiêu hóa tốt. Nên cho trẻ uống thêm sữa ít béo vào các bữa phụ.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị viêm VA - Ảnh 3.

Cho trẻ bị viêm VA uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng.

Uống nhiều nước

Trẻ bị viêm VA có thể sốt cao, nên để đề phòng nguy cơ mất nước cần cho trẻ uống nhiều nước. Nên cho trẻ uống nước lọc, uống bổ sung Oresol theo đúng chỉ dẫn. Uống nước trái cây cũng rất tốt cho trẻ bị viêm VA.

Chế độ ăn cho trẻ nạo VA

Trong trường hợp trẻ phải điều trị phẫu thuật nạo VA, cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc điều trị của bác sĩ sau khi trẻ xuất viện.

Trong những ngày đầu sau phẫu thuật nạo VA cần cho trẻ ăn cháo loãng, súp, uống nhiều nước.

Khoảng 3 ngày sau tình trạng của trẻ ổn định hơn, trẻ không buồn nôn hay nôn thì có thể dần dần cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn. Khi trẻ bình phục thì có thể ăn uống bình thường.

Thực phẩm không nên dùng cho trẻ bị viêm VA

Sau nạo VA, cha mẹ chú ý  không cho trẻ ăn những đồ ăn có thể gây kích thích họng làm tổn thương mô đang lành. Do đó cần tránh các thực phẩm này trong thời gian khoảng 2 tuần sau phẫu thuật.

- Không nên cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn. Thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, nhiều gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu...

- Không ăn thức ăn cứng, giòn, thô ráp như các loại hạt..

- Hạn chế dùng các loại trái cây có vị chua như cam, chanh tạo cảm giác khó chịu trong họng trẻ …

- Không dùng thức ăn, nước uống lạnh. Đặc biệt là thức ăn, đồ uống để trong tủ lạnh.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị viêm VA - Ảnh 4.

Không nên cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều gia vị cay nóng.

Cần lưu ý: Khi trẻ có biểu hiện viêm VA, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ. Vì ngoài nguy cơ kháng thuốc, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị VA có thể gây một số tác dụng phụ như loạn khuẩn tiêu hóa do làm chết một số vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa làm trẻ biếng ăn, chậm lớn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nơi sự sống mong manh (P8): Nước mắt ngày trở về


BS. Nhật Minh
Ý kiến của bạn