Người nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với một số thách thức về sức khỏe vì cơ thể phải làm việc nhiều hơn để chống lại nhiễm trùng. Người bệnh cần ăn uống đầy đủ để bổ sung năng lượng đã mất.
HIV cũng được biết là gây giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn hoặc khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn. Các phương pháp và thuốc điều trị cụ thể liên quan đến HIV thường có tác dụng phụ có thể gây buồn nôn, tiêu chảy và lở miệng... khiến người bệnh càng khó ăn uống hơn. Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng đồng thời giảm tác dụng phụ của thuốc và giảm các triệu chứng liên quan đến HIV.
Mặc dù không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho người nhiễm HIV nhưng cũng cần tránh một số loại thực phẩm và và lưu ý vấn đề vệ sinh khi chuẩn bị thức ăn. Tìm hiểu những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch người bệnh chống lại nhiễm trùng.
1. Thực phẩm người nhiễm HIV nên ăn
Một chế độ ăn uống hợp lý, bổ dưỡng là điều cần thiết để duy trì sức khỏe tốt. Nhận đủ lượng chất dinh dưỡng hàng ngày có thể giúp người nhiễm HIV tránh được các biến chứng về sức khỏe và giảm bớt các vấn đề do các phương pháp điều trị HIV gây ra.
Trái cây và rau quả rất giàu chất chống oxy hóa. Theo nguyên tắc chung, cần ăn nhiều rau quả và trái cây cho mỗi bữa ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đủ vitamin và khoáng chất cần để duy trì sức khỏe.
Protein nạc hỗ trợ cơ bắp, nên ăn thịt, cá, trứng, các loại hạt, đậu và thịt gia cầm sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Carbs cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ thể và chứa nhiều vitamin B và chất xơ.
Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày là rất quan trọng. Nước giúp đào thải các loại thuốc đã sử dụng khỏi cơ thể và giúp cơ thể không bị mất nước, duy trì năng lượng. Đó là lý do tại sao việc uống nhiều nước lại quan trọng, đặc biệt với người HIV.
2. Các thực phẩm người nhiễm HIV nên tránh
Nên tránh các thực phẩm chứa nhiều natri như khoai tây chiên, bánh mì và pizza. Quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đặc biệt có hại đối với những người nhiễm HIV.
Tránh chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa thường có trong thực phẩm chế biến sẵn.
Uống quá nhiều rượu sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch cũng như tăng tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, cần lưu ý:
- Tránh ăn thịt sống, trứng sống và chưa nấu chín. Không ăn hải sản sống như sushi, hàu và động vật có vỏ…
- Tránh các loại sữa và sữa chua chưa tiệt trùng.
- Khi dùng các chất bổ sung dinh dưỡng như vitamin hay thảo dược cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Những lưu ý về an toàn thực phẩm
Do HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch nên người bệnh cũng dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn. Nếu bạn hoặc người thân đang nhiễm HIV, cần phải thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số quy tắc an toàn thực phẩm cơ bản phải tuân theo:
- Rửa trái cây và rau quả thật kỹ trước khi ăn
- Sử dụng dao và thớt riêng cho thịt sống và sản phẩm
- Luôn rửa tay trước khi chế biến thực phẩm
- Không ăn thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc.
- Ăn chín, uống sôi và dùng nước sạch để nấu ăn.
Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chế độ ăn uống, cân nặng, thuốc điều trị HIV nên thông báo với bác sĩ ngay lập tức.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Khó khăn trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc miền núi.