Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi điều trị bệnh ghẻ

12-04-2025 21:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh ghẻ, giảm nhẹ các triệu chứng và tăng cường sức khỏe tổng thể.

1. Kết hợp điều trị với thay đổi sinh hoạt khi điều trị bệnh ghẻ

BSCKI Võ Thị Tường Duy, Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguyên nhân gây ghẻ ngứa được xác định là do một loại ký sinh trùng là bọ ve Sarcoptes scabiei, có 8 chân, sống ký sinh bằng cách đào hang bên dưới lớp biểu bì da. Khi ve đào hang và đẻ trứng bên trong da, mô sau khi bị nhiễm ký sinh trùng sẽ kích hoạt cơ chế bảo vệ, sản xuất các yếu tố viêm tại chỗ, dẫn đến ngứa ngáy không ngừng và đỏ da.

Bệnh ghẻ dễ dàng lây giữa người với người. Tiếp xúc trực tiếp giữa da với da là cách lây lan phổ biến nhất của bệnh. Sarcoptes scabiei cũng lây qua những đồ dùng bị nhiễm ký sinh trùng như: đồ đạc, quần áo, ga giường… Bệnh cũng lây qua quan hệ tình dục không an toàn nếu người bệnh bị ghẻ vùng sinh dục.

BS. Tường Duy khuyến nghị, người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị ghẻ ngứa tại nhà bằng các loại thuốc bôi ngoài da không kê đơn. Việc điều trị ghẻ ngứa cần phải tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng gây bệnh, bao gồm các trứng và ấu trùng của bọ ve.

Áp dụng các phương pháp điều trị ghẻ ngứa từ thiên nhiên hoặc theo dân gian nhìn chung lành tính nhưng chỉ có tác dụng giúp hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng trong lúc điều trị ghẻ ngứa chứ không thể thay thế hoàn toàn phác đồ điều trị y khoa với ghẻ ngứa.

Ngoài ra BS. Tường Duy cũng cho biết nên thay đổi chế độ sinh hoạt, thói quen sống là cách hiệu quả trong việc ngăn ngừa ghẻ ngứa tái phát và hỗ trợ hiệu quả điều trị. Cách này giúp loại bỏ hoặc giảm thiểu số lượng ký sinh trùng tồn tại xung quanh người bệnh, hạn chế lây bệnh ghẻ ngứa sang những người xung quanh.

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi điều trị bệnh ghẻ- Ảnh 1.

Thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi da.

2. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi điều trị bệnh ghẻ

Chế độ ăn uống đóng vai trò hỗ trợ đối với bệnh ghẻ vì những lý do sau:

Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại ký sinh trùng ghẻ và giảm nguy cơ nhiễm trùng thứ phát. Chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Giảm viêm và ngứa: Một số thực phẩm có thể gây viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy. Tránh các loại thực phẩm gây dị ứng hoặc kích ứng da có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh ghẻ.

Hỗ trợ quá trình phục hồi da: Dinh dưỡng đầy đủ giúp da nhanh chóng phục hồi sau tổn thương do ghẻ gây ra. Các loại thực phẩm giàu protein và vitamin giúp tái tạo tế bào da, làm lành vết thương.

Tránh các tác nhân gây dị ứng: Ghẻ gây ra tình trạng ngứa, và một số loại thức ăn sẽ làm tình trạng đó tồi tệ hơn. Hạn chế các loại đồ ăn dễ gây dị ứng như hải sản, đồ ăn cay, nóng sẽ làm giảm tình trạng đó.

Do đó, chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh ghẻ, giảm nhẹ các triệu chứng, tăng cường sức khỏe tổng thể.

3. Tham khảo thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị ghẻ

3.1. Thực phẩm nên ăn khi bị ghẻ

Protein: Khi bị ghẻ, việc bổ sung protein là rất quan trọng để hỗ trợ quá trình phục hồi da và tăng cường hệ miễn dịch. Ghẻ gây tổn thương da và protein là thành phần cần thiết để tái tạo tế bào da mới, giúp làm lành vết thương.

Đồng thời, một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại ký sinh trùng ghẻ và ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát, protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cần lựa chọn nguồn protein phù hợp và tránh một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Các nguồn protein tốt cho người bị ghẻ bao gồm thịt nạc, cá (cá hồi, cá thu, cá ngừ), trứng, các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu lăng), các loại hạt (hạt chia, hạt bí ngô), sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo.

Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi da. Các loại trái cây giàu vitamin C bao gồm cam, chanh, quýt, bưởi...

Hạt óc chó: Hạt óc chó chứa protein giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nước ép lô hội: Chứa đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.

Thực phẩm giàu kẽm: Những thực phẩm này giúp sửa chữa các mô da bị tổn thương. Ví dụ bao gồm hàu, đậu nành, hạt hướng dương, mầm lúa mì, nấm.

Thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa: Những thực phẩm này chống lại các gốc tự do gây hại cho da. Ví dụ bao gồm xoài, cam, đào, bơ, quả mọng, mận, củ cải đường, cà chua, rau bina…

Uống đủ nước: Uống đủ nước là một phần quan trọng trong việc chăm sóc da khi bị ghẻ. Ghẻ gây ra tình trạng ngứa ngáy, kích ứng da, dẫn đến da bị khô. Việc uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho da, làm dịu cơn ngứa và giảm cảm giác khó chịu.

Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi da tổn thương do ghẻ. Hơn nữa, việc cung cấp đủ nước giúp tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại ký sinh trùng ghẻ và ngăn ngừa các nhiễm trùng thứ phát. Cuối cùng, uống đủ nước có thể giúp giảm bớt cảm giác ngứa ngáy do ghẻ gây ra, mang lại cảm giác dễ chịu hơn cho người bệnh.

3.2. Thực phẩm nên tránh

BSCKI Võ Thị Tường Duy lưu ý những thực phẩm nên tránh khi bị ghẻ:

Hải sản, thịt gà: Người có cơ địa thường xuyên bị dị ứng, đặc biệt là hải sản và thịt gà, nên tránh ăn những thực phẩm này. Dị ứng có thể làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị ghẻ. Để giảm nguy cơ và hỗ trợ hồi phục, hãy kiêng hải sản trong suốt thời gian điều trị bệnh ghẻ.

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi điều trị bệnh ghẻ- Ảnh 3.

Tránh ăn hải sản như tôm khi đang điều trị ghẻ để giảm nguy cơ dị ứng.

Thức uống có cồn, chất kích thích: Uống quá nhiều rượu hoặc các đồ uống có cồn có thể làm yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ nhiễm ghẻ hơn. Do đó, để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị, nên hạn chế hoặc tránh uống rượu bia và dùng chất kích thích khác.

Ngoài ra, nên hạn chế một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng da, làm chậm quá trình lành vết thương như đồ nếp, các loại thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu và các gia vị tương tự cũng có thể kích thích da, làm tăng cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Việc hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị ghẻ hiệu quả hơn.

Lưu ý, những thông tin trên mang tính tham khảo, để có chế độ ăn phù hợp nhất, người bệnh ghẻ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Xem thêm:

Ghẻ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhGhẻ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da phổ biến do ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei Hominis (cái ghẻ) gây nên. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh ghẻCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh ghẻ

SKĐS - Ghẻ là một bệnh lý phổ biến, có khả năng lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sử dụng chung các vật dụng như quần áo, khăn, nệm,…Tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng làm người bệnh khó chịu ngứa ngáy.

Thuốc điều trị bệnh ghẻThuốc điều trị bệnh ghẻ

SKĐS – Bệnh ghẻ khiến người mắc ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Việc dùng thuốc sớm, đúng cách giúp tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh ghẻ, tránh lây lan bệnh.

Cách giảm ngứa, giảm tổn thương cho người bệnh ghẻCách giảm ngứa, giảm tổn thương cho người bệnh ghẻ

SKĐS - Điều trị bệnh ghẻ ngoài việc dùng thuốc, cách ly, vệ sinh sạch sẽ thì người bệnh có thể thực hiện một số bài tập để tăng cường miễn dịch, giảm ngứa, giảm tổn thương do bệnh.


Thùy Vân
Ý kiến của bạn