Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị dị ứng thời tiết

22-10-2024 14:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống, lựa chọn các loại thực phẩm có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng thời tiết, nhất là khi giao mùa...

Dị ứng thời tiết là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với những thay đổi của thời tiết, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn, sổ mũi, hắt hơi, thậm chí khó thở. Trong khi điều trị bằng thuốc là cách tiếp cận phổ biến, chế độ ăn uống hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng dị ứng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị dị ứng thời tiết

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị dị ứng thời tiết- Ảnh 1.

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng dị ứng thời tiết.

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng dị ứng thời tiết và nâng cao chất lượng cuộc sống:

Giảm viêm: Nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm, giúp giảm các phản ứng viêm do dị ứng gây ra.

Cải thiện hệ miễn dịch: Một chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây dị ứng hiệu quả hơn.

Hỗ trợ tiêu hóa: Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng và giảm thiểu các phản ứng dị ứng qua đường tiêu hóa.

2. Các chất dinh dưỡng cần thiết khi bị dị ứng thời tiết

Khi bị dị ứng thời tiết, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng quan trọng mà người bị dị ứng thời tiết nên bổ sung:

Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây dị ứng, giảm viêm. Nguồn cung cấp là các loại trái cây có múi (Cam, bưởi, chanh, quýt…), dâu tây, kiwi, ớt chuông...

Chất chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm viêm. Nguồn cung cấp: Trái cây và rau củ có màu sắc sặc sỡ như cà rốt, cà chua, bông cải xanh.

Omega-3: Có tác dụng giảm viêm, cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ hệ thần kinh. Nguồn cung cấp như cá hồi, cá ngừ, cá trích, hạt chia, hạt lanh…

Vitamin D: Giúp điều hòa hệ miễn dịch, giảm viêm. Nguồn cung cấp từ thực phẩm là cá béo, trứng, sữa, nấm.

Probiotic: Cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm viêm, tăng cường miễn dịch. Chế phẩm sinh học là những vi khuẩn có lợi sống trong ruột có thể mang lại tác dụng chống viêm và chống dị ứng. Thực phẩm giàu pobiotic: Sữa chua có chứa vi khuẩn sống, kefir, kim chi, dưa cải chua…

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị dị ứng thời tiết

3.1. Thực phẩm nên ăn

Gừng

Nhiều triệu chứng dị ứng khó chịu đến từ các vấn đề viêm nhiễm như sưng và kích ứng ở đường mũi, mắt và cổ họng. Gừng có thể giúp giảm các triệu chứng này một cách tự nhiên. Gừng đã được chứng minh là có chứa các hợp chất hóa học thực vật chống oxy hóa, chống viêm. Dường như không có sự khác biệt về khả năng chống viêm của gừng tươi so với gừng khô.

Trái cây có múi

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị dị ứng thời tiết- Ảnh 3.

Trái cây có múi giàu vitamin C tốt cho người bị dị ứng thời tiết

Ăn nhiều trái cây như cam, quýt, bưởi, chanh… giàu vitamin C ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh cũng như mang lại lợi ích cho những người bị dị ứng. Ăn thực phẩm giàu vitamin C đã được chứng minh là làm giảm viêm mũi dị ứng do dị ứng thời tiết

Rau xanh

Nhờ hàm lượng vitamin C cao, các loại rau lá xanh đậm như bông cải xanh, cải xoăn, cải rổ còn được chứng minh là có khả năng ngăn chặn chứng viêm xoang vì nó chứa nhiều carotenoid. Vitamin C và carotenoid là những chất có tác dụng tăng cường sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể nên sẽ giúp phòng ngừa được bệnh dị ứng hiệu quả hơn.

Củ nghệ

Củ nghệ nổi tiếng là một loại thực phẩm có tác dụng chống viêm hiệu quả, có thể giúp giảm thiểu sưng tấy và kích ứng do viêm mũi dị ứng.

Cà chua

Mặc dù cam quýt có xu hướng được đánh giá cao khi nói đến vitamin C, cà chua cũng là một nguồn tuyệt vời khác cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu này. Một quả cà chua cỡ trung bình chứa khoảng 26% giá trị vitamin C được khuyến nghị hàng ngày.

Ngoài ra, cà chua còn chứa lycopene, một hợp chất chống oxy hóa khác giúp dập tắt tình trạng viêm toàn thân. Lycopene dễ dàng hấp thụ vào cơ thể hơn khi nấu chín, vì vậy hãy chọn cà chua đóng hộp hoặc nấu chín để tăng thêm hiệu quả.

Sữa chua

Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà sữa chua còn có tác động tích cực trong việc điều trị dị ứng. Nhóm thực phẩm giàu probiotic này có tác dụng chống nhiễm khuẩn, tăng cường sức đề kháng khá hiệu quả.

Cá béo

Cá béo bao gồm các loại cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, những loại cá này được coi là món ăn ngon và lành mạnh nhất từ biển khi chứa acid béo omega-3 một loại chất béo tốt. Acid béo omega-3 từ cá có thể tăng cường khả năng chống dị ứng. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy acid béo giúp giảm tình trạng thu hẹp đường thở xảy ra ở bệnh hen suyễn và một số trường hợp dị ứng thời tiết.

Hành tây

Trong hành tây chứa một loại quercetin được xem như liều thuốc tự nhiên có khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Một số nghiên cứu cho thấy quercetin hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên, làm giảm các triệu chứng dị ứng thời tiết.

Hành tím sống có hàm lượng quercetin cao nhất, tiếp theo là hành trắng và hành lá. Nấu ăn làm giảm hàm lượng quercetin trong hành, vì vậy để có tác dụng tối đa nên ăn hành sống. Hành tây cũng là thực phẩm giàu prebiotic giúp nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ thêm khả năng miễn dịch và sức khỏe.

Mật ong

Mật ong có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể và giảm kích ứng trên da. Có thể sử dụng mật ong bằng cách pha với nước ấm để uống hàng ngày. Người có bệnh lý nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng mật ong thường xuyên; trẻ em dưới 12 tháng tuổi không uống mật ong.

3.2. Thực phẩm nên tránh

Mặc dù những thực phẩm không trực tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng nhưng có thể gây viêm - một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra dị ứng theo mùa. Những thực phẩm này bao gồm:

Thực phẩm chế biến sẵn: Thường chứa nhiều chất bảo quản, muối, đường, thịt đỏ (bánh mì kẹp thịt, bít tết) và thịt chế biến sẵn (xúc xích, xúc xích)… có thể gây kích ứng và làm nặng thêm tình trạng dị ứng.

Thực phẩm chữa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa: Đồ chiên rán như gà rán, khoai tây chiên…

Đồ uống có gas: Chứa nhiều đường, caffeine làm tăng các triệu chứng viêm như nước soda, nước tăng lực, các loại nước ngọt có gas…

Thực phẩm chứa nhiều histamine: Rượu vang đỏ, sô cô la có thể làm tăng lượng histamine trong cơ thể, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Thực phẩm gây dị ứng phổ biến: Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, có thể dị ứng với một số loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu nành, gluten...

Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn:

- Thực đơn đa dạng: Ăn nhiều loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

- Uống đủ nước: Nước giúp loại bỏ độc tố và giảm các triệu chứng dị ứng.

- Ghi nhật ký thực phẩm: Ghi lại những loại thực phẩm ăn vào và các triệu chứng xuất hiện để xác định thực phẩm gây dị ứng.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Xem thêm:

8 bài thuốc dân gian giảm ho dị ứng thời tiết8 bài thuốc dân gian giảm ho dị ứng thời tiết

SKĐS - Những bài thuốc dân gian đơn giản từ mật ong, chanh muối, hay gừng, hơi nước nóng có thể giúp bạn giảm ho do dị ứng thời tiết.


BS Phạm Thu Hòa
Ý kiến của bạn