Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị bệnh trĩ

09-06-2024 13:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Biết những loại thực phẩm nên tránh và nên ăn có lợi cho hệ thống đại trực tràng là một biện pháp hỗ trợ cải thiện bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với người bị bệnh trĩ

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh trĩ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe. Việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp:

Làm mềm phân, dễ dàng di chuyển: Chất xơ trong thực phẩm giúp hút nước, làm mềm phân, giảm táo bón - nguyên nhân chính gây bệnh trĩ đồng thời làm nặng thêm tình trạng trĩ.

Giảm nguy cơ chảy máu: Chất xơ giúp phân di chuyển dễ dàng, giảm áp lực lên búi trĩ, hạn chế tình trạng chảy máu.

Hỗ trợ phục hồi hậu phẫu: Cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu giúp vết thương mau lành, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa biến chứng đối với những người bị trĩ cần phẫu thuật.

Giảm các triệu chứng khó chịu: Một số thực phẩm có tác dụng giảm viêm, giảm sưng, giảm đau rát, ngứa ngáy do trĩ gây ra.

Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Bình, Khoa điều trị bệnh Ống tiêu hóa, Viện điều trị các bệnh Tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108, bên cạnh các phương pháp điều trị bệnh trĩ, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để kiểm soát bệnh.

Đặc biệt, nếu nguyên nhân chính của bệnh trĩ do táo bón, thì phương pháp điều trị đầu tiên thường là làm mềm và điều hòa phân. Các triệu chứng của bệnh trĩ thường có thể thuyên giảm khi thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống. Một chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt... giúp làm mềm phân. Bác sĩ cũng sẽ khuyên người bệnh trĩ tăng cường tiêu thụ nước và tập thể dục thường xuyên để tránh táo bón.

Khi có dấu hiệu bị bệnh trĩ nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Trong nhiều trường hợp phát hiện sớm, biện pháp khắc phục tại nhà cũng giúp kiểm soát bệnh trĩ. Đối với một số người, cần có các phương pháp điều trị y tế.

Biện pháp khắc phục tại nhà chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, thực hiện lối sống khoa học như:

  • Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống.
  • Uống bổ sung chất xơ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Uống nhiều nước hoặc chất lỏng khác (không phải là bia rượu)
  • Tránh rặn khi đi đại tiện.
  • Ngồi trong nhà vệ sinh trong thời gian ngắn hơn.
  • Ngồi trong nước ấm nhiều lần trong ngày để giảm đau.

2. Thực phẩm nên ăn khi bị bệnh trĩ

Bác sĩ thường khuyên người bệnh trĩ nên ăn những thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn thực phẩm giàu chất xơ giúp cho phân mềm, dễ đại tiện hơn, đồng thời có thể giúp điều trị, ngăn ngừa bệnh trĩ. Uống đủ nước giúp chất xơ được tiêu thụ hoạt động tốt hơn.

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị bệnh trĩ- Ảnh 2.

Thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh trĩ.

Thực phẩm giàu chất xơ

Ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước là một phần quan trọng trong chế độ ăn của những người bị bệnh trĩ. Hai loại chất xơ trong chế độ ăn là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan:

  • Chất xơ hòa tan hòa tan trong nước tạo thành chất nhờn giống như gel làm cho phân mềm, hình thành tốt, dễ bài tiết, không gây táo bón.
  • Chất xơ không hòa tan giúp giữ cho mọi thứ di chuyển dễ dàng, góp phần cân bằng hóa học trong ruột.

Nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ có cả hai loại chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt Nam ít nhất là 20 - 25g/người/ngày. Chúng ta nên ăn nhiều loại thực phẩm có đủ hai loại chất xơ từ các nguồn thực phẩm lành mạnh như:

Các loại rau (bông cải xanh, rau cải, mồng tơi, rau giền…); Một chén rau xanh, bông cải xanh, cải Brussels, bí, đậu xanh sẽ cung cấp 4 đến 5 g chất xơ. Một số loại rau, trái cây có chất xơ và rất nhiều nước như dưa chuột, cần tây, ớt chuông nhẹ, dưa hấu chủ yếu là nước - hơn 90%.

Trái cây tươi (lê, táo, bưởi, chuối, kiwi...); Nên ăn nguyên vỏ với các loại có vỏ mỏng như táo, lê, mận, khoai tây, vỏ chứa chất xơ không hòa tan, cũng như các hợp chất flavonoid có thể giúp kiểm soát chảy máu do trĩ.

Tạo thói quen thêm một loại trái cây hoặc rau quả khác vào bất kỳ bữa ăn nào, chẳng hạn như quả mọng hoặc chuối trong ngũ cốc, táo cắt miếng trong món salad, rau bina trong món trứng tráng. Ăn nhẹ trái cây khô như quả sung, quả mơ, chà là. Đổi món tráng miệng nướng có đường bằng trái cây tươi.

Các sản phẩm có màu sắc rực rỡ như quả mọng tươi như nho, cà chua, cải xoăn và các loại rau lá xanh đậm khác thường rất giàu flavonoid. Một khẩu phần trái cây thường cung cấp ít nhất 10% chất xơ hàng ngày, thường là 3 đến 4 g.

Ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, lúa mì nguyên cám…); Các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan…) chỉ 1/2 cốc đậu như đậu thận, đậu xanh, đậu lima hoặc đậu đen sẽ đáp ứng được khoảng 1/3 mục tiêu chất xơ hàng ngày; Các loại hạt (hạt chia, hạt lanh…); Ngũ cốc nguyên hạt, kiều mạch giúp tăng lượng chất xơ không hòa tan mà bạn sẽ nhận được. Yến mạch, lúa mạch nấu chín cung cấp chất xơ hòa tan.

Lưu ý, bổ sung dồn dập quá nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi và chướng bụng, vì vậy hãy bổ sung từng chút một vào chế độ ăn uống nếu bạn chưa quen.

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị bệnh trĩ- Ảnh 3.

Người bệnh trĩ cần uống nhiều nước.

Uống đủ nước mỗi ngày

Để tránh táo bón, điều quan trọng là bạn phải uống nhiều nước. Nếu bị mất nước, phân có thể trở nên khô, cứng. Điều đó làm cho việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn nhiều. Người bệnh trĩ cần uống nhiều nước hơn để giúp cơ thể sử dụng chất xơ, từ 8-10 ly nước mỗi ngày.

Thức uống tốt nhất là nước vì nó không chứa đường và calo. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung nước từ nước canh, nước trái cây, trà thảo mộc...

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một số thực phẩm giàu chất xơ được liệt kê trong bảng dưới đây:

Kích thước thực phẩm và khẩu phầnLượng chất xơ
Hạt
1/2 chén cám giàu chất xơ, ngũ cốc ăn liền14,0 g
1 chén lúa mì cắt nhỏ, ngũ cốc ăn liền6,2 g
Trái cây
1 quả lê vừa, có vỏ5,5 g
1 quả táo vừa, có vỏ4,8 g
1 cốc quả mâm xôi8,0 g
1/4 cốc mận khô3,1 g
Rau
1 chén đậu xanh nấu chín8,8 g
1 chén rau xanh nấu chín4,8 g
1 chén khoai lang nấu chín6,3 g
1 củ khoai tây vừa, nướng để cả vỏ3,9 g
1 chén bí mùa đông nấu chín5,7 g
Đậu
1/2 chén đậu hải quân nấu chín9,6 g
1/2 chén đậu pinto nấu chín7,7 g
1/2 chén đậu thận nấu chín5,7 g

3. Thực phẩm nên tránh khi bị bệnh trĩ

Nếu bệnh trĩ là do táo bón mạn tính, tránh ăn quá nhiều thực phẩm có ít hoặc không có chất xơ, chẳng hạn như phô mai, khoai tây chiên, bánh mì, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…

Lưu ý một số thực phẩm dưới đây có thể ảnh hưởng đến tình trạng của người mắc bệnh trĩ:

Chú ý theo dõi phản ứng sau khi dùng sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua có nhiều đường lactose, có thể gây kích ứng da vùng hậu môn.

Khi tiêu thụ sữa, một số phản ứng hóa học làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát bệnh trĩ hiện có hoặc tạo ra các đợt mới. Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng không dung nạp lactose, hãy tránh tất cả các sản phẩm từ sữa trong ít nhất hai tuần sau khi các triệu chứng giảm bớt.

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị bệnh trĩ- Ảnh 4.

Một số thực phẩm không tốt cho tình trạng của người bệnh trĩ như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Bột mì trắng

Bột mì trắng là thực phẩm được chế biến kỹ chứa nhiều carbohydrate, có thể dẫn đến tiêu chảy và táo bón, hai nguyên nhân phổ biến gây bùng phát bệnh trĩ. Bột mì trắng cũng chứa gluten, góp phần gây viêm ở những người mắc bệnh celiac.

Đồ ăn cay

Thức ăn cay không tốt cho bệnh trĩ vì chúng gây kích ứng. Trong một số trường hợp, vị cay cũng gây ra các triệu chứng bệnh trĩ tấn công, khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Thức ăn cay cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng loét ở dạ dày hoặc ruột, có thể dẫn đến chảy máu.

Nếu bạn bị táo bón liên quan đến bệnh trĩ, thức ăn cay khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì chúng gây ra các cơn co thắt cơ trong ruột, cản trở nhu động ruột.

Khoai tây chiên, đồ ăn mặn

Nếu bạn bị bệnh trĩ, nên tránh ăn khoai tây chiên, đồ ăn nhanh. Hàm lượng chất béo cao trong những thực phẩm này có hại cho sức khỏe, làm nặng thêm các triệu chứng bệnh trĩ.

Hơn nữa, hàm lượng natri cao trong thức ăn nhanh như khoai tây chiên làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Xúc xích, thịt bò khô

Nếu bạn bị bệnh trĩ, tốt nhất nên tránh các loại thịt chế biến sẵn. Thịt chế biến sẵn chứa nhiều natri và chất bảo quản có thể làm nặng thêm bệnh trĩ. Nếu bạn thèm thứ gì đó mặn, hãy thử những món ăn nhẹ lành mạnh hơn như các loại hạt.

Rượu, caffeine

Rượu, caffeine được biết là dễ làm tăng áp lực trong tĩnh mạch trĩ. Ngoài ra, rượu có thể làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này. Chúng cũng có thể gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa, thậm chí còn gây khó chịu hơn với bệnh trĩ. Giảm lượng rượu và caffeine giúp giảm bớt sự khó chịu của bệnh trĩ.


Thuỳ Vân
Ý kiến của bạn