Hà Nội

Thực phẩm nào tốt nhất cho trẻ bị chảy máu cam?

SKĐS - Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em. Nếu nguyên nhân không do chấn thương hay bệnh lý thì có thể do chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa hợp lý.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam

Chảy máu mũi (hay chảy máu cam) xảy ra khi các mạch máu nhỏ bên trong mũi bị vỡ do tổn thương gây chảy máu. Hiện tượng này thường gặp nhiều nhất ở trẻ em.

Chảy máu cam thường xảy ra đột ngột, thường khiến trẻ lo sợ hoảng hốt. Do đó người lớn cần biết cách xử trí đúng cũng như hướng dẫn trẻ tự xử trí trong trường hợp có biểu hiện chảy máu cam.

Chảy máu cam đa phần không nghiêm trọng, chủ yếu do yếu tố thời tiết hoặc do chấn thương. Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện chảy máu cam thường xuyên, kéo dài thì có thể là dấu hiệu bệnh lý cần đi khám xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo TS. BSNT Vũ Duy Dũng, chuyên gia tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ, nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em thường do chấn thương mũi, môi trường hanh khô, dị dạng giải phẫu trong mũi, do các bệnh lý viêm mũi xoang, khối u vùng mũi, rối loạn đông máu, tăng huyết áp…

Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên nếu đã loại trừ những nguyên nhân trực tiếp như yếu tố môi trường, bệnh lý, do chấn thương... thì có thể còn do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Trong đó, thiếu hụt vitamin C là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chảy máu cam.

Thực phẩm nào tốt nhất cho trẻ bị chảy máu cam?  - Ảnh 2.

Thiếu hụt vitamin C có thể là nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ.

2. Vì sao thiếu hụt vitamin C lại có thể gây chảy máu cam?

Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà chúng ta cần hàng ngày cho hoạt động của cơ thể. Vitamin C cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa mô của các cơ quan trong cơ thể. Nó giúp sản xuất collagen, được sử dụng để tạo ra da, mạch máu, sụn, dây chằng và gân. Nó cũng cần thiết để chữa lành vết thương, tăng cường hấp thu sắt và duy trì sức khỏe của xương.

Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm tác hại do các gốc tự do gây ra, có thể hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh lý tim mạch và ung thư.

Vitamin C là một chất có vai trò quan trọng trong việc làm bền vững thành mạch máu và tăng cường miễn dịch, giúp mạch máu hạn chế bị vỡ khi có tác động bên ngoài.

Cơ chế chữa bệnh của cơ thể phụ thuộc một phần vào vitamin C vì phản ứng miễn dịch có tác dụng sửa chữa vết thương và chống nhiễm trùng. Chất dinh dưỡng này cũng giúp hình thành collagen, giúp củng cố mô sẹo hình thành trên vết thương. Khi thiếu vitamin C, quá trình này kém hiệu quả hơn, khiến vết thương chảy máu lâu hơn và chậm lành hơn.

Chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong mũi vỡ ra. Vì các mạch máu được củng cố bởi collagen, nên việc thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến các mạch máu bị suy yếu, khiến chúng bị vỡ và chảy máu cam thường xuyên.

Các dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin C có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Đau cơ và khớp
  • Dễ bầm tím
  • Da khô
  • Tóc chẻ ngọn
  • Nướu sưng, chảy máu chân răng
  • Chảy máu cam
  • Vết thương lâu lành...

3. Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin C tốt nhất cho cơ thể

Để cung cấp vitamin C cho cơ thể, cách tốt nhất là bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn uống. Đối với người bình thường có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu vitamin C cũng cung cấp đủ lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày mà không cần bổ sung thêm dạng uống. Các trường hợp uống bổ sung vitamin C cần theo chỉ định hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin C rất phong phú, đặc biệt có trong nhiều loại trái cây và rau quả như: trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…), các loại rau có lá màu xanh đậm, ớt chuông, dưa, ổi, kiwi, dâu tây...

Lượng vitamin C được tính trong một số loại rau quả như sau:

- Cam: Chỉ cần một cốc nước cam, cơ thể đã được đáp ứng 100% nhu cầu vitamin C hằng ngày.

- Ổi: Trong 1 quả ổi chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam cùng kích thước. Phần ngay bên dưới lớp vỏ ổi chứa hàm lượng vitamin C cao hơn so với phần thịt bên trong.

- Quả kiwi: 100g thịt quả kiwi cung cấp 92,7mg vitamin C. Một quả kiwi cỡ trung bình cung cấp tới 97% lượng vitamin C khuyến nghị hằng ngày.

- Dâu tây: Với lượng 54mg vitamin C trên 100g, chỉ cần ăn một cốc dâu tây cũng đủ cung cấp vitamin C cho cơ thể hằng ngày.

- Bông cải xanh: 100g bông cải xanh chứa khoảng 106mg vitamin C.

- Ớt chuông: Ớt chuông vàng chứa nhiều vitamin C hơn ớt chuông đỏ và xanh. 100g thịt quả ớt chuông vàng chưa chế biến chứa 184mg vitamin C.

Thực phẩm nào tốt nhất cho trẻ bị chảy máu cam?  - Ảnh 4.

Vitamin C có trong nhiều loại trái cây và rau rau quả.

Lưu ý: Vitamin C nhạy cảm với nhiệt độ và oxy hóa, do đó để tránh hao hụt vitamin C trong quá trình chế biến thực phẩm chúng ta nên chọn rau quả tươi mới thu hái, chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh khoảng 3-4 ngày. Chế biến sát lúc ăn để tránh hao hụt vitamin. Nên dùng phương pháp hấp để giữ lại lượng chất dinh dưỡng tối đa và tránh hâm lại thức ăn nhiều lần.
Chảy máu cam ở trẻ gia tăng khi thời tiết hanh khô và cách xử tríChảy máu cam ở trẻ gia tăng khi thời tiết hanh khô và cách xử trí

SKĐS - Năm nào cũng vậy, khi thời tiết chuyển sang hanh khô là nhiều trẻ lại bị chảy máu cam. Có những trẻ có thể bị chảy máu cam nhiều lần trong tuần, khiến bố mẹ lo lắng, thậm chí là hoảng sợ. Vậy cách xử trí và phòng ngừa như thế nào?

Xem thêm video đang được quan tâm

Cách chăm sóc trẻ đúng khi mắc thủy đậu để tránh bị sẹo


Kim Ngân
Ý kiến của bạn