Lê Bắc (Lai Châu)
Người bị bệnh lao dễ bị chán ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng (kể cả các vi chất). Quá trình chuyển hóa cũng bị thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu hao năng lượng và các chất dinh dưỡng dẫn đến sụt cân và thiếu dưỡng chất. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và sức đề kháng với bệnh tật, do đó còn có tác dụng làm tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc và dự phòng tái nhiễm lao.
Đối với người bị bệnh lao thì năng lượng nạp vào tùy theo thể trạng, nhưng nhìn chung cần phải đa dạng thực phẩm và thường xuyên thay đổi thực đơn để kích thích người bệnh ăn nhiều hơn. Mỗi ngày, người bệnh cần có thêm khoảng 150-300Kcal, tương đương 1 bát cơm có thức ăn (có thể thay đổi là cháo, bún, phở, súp...).
Bữa ăn của người bệnh cần có đủ các nhóm thực phẩm tinh bột, protein, lipid, vitamin và muối khoáng. Vi chất dinh dưỡng là một yếu tố không thể thiếu trong khẩu phần. Vitamin A, E, C, selen, kẽm... tham gia quá trình tái tạo tổ chức và bảo vệ niêm mạc, tăng cường miễn dịch, chống ôxy hóa.
Có thể bổ sung các vi chất này bằng thuốc hoặc rau, hoa quả, giá đỗ, gan gia cầm, gia súc, thịt, cá biển. Ngoài ra, cần lưu ý ăn nhiều rau, hoa quả, khoai lang, rau lang có thể làm giảm những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn... do tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Nếu có tình trạng kém ăn, sụt cân..., cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn cụ thể.
ThS. Nguyễn Thanh