Thực tế những cơn đau do gout (gút) khiến người bệnh đau đớn, nhiều người tìm hiểu việc ăn uống như thế nào để hạn chế triệu chứng và liệu chế độ ăn kiêng có đóng vai trò gì trong quản lý bệnh gout hay không?
1. Chế độ ăn ít purine tốt hơn cho người bệnh gout
Theo các chuyên gia, chỉ thay đổi chế độ ăn uống là không đủ để ngăn chặn các cơn gout. Việc quản lý chế độ ăn uống cho bệnh gout rất hạn chế và không phải lúc nào cũng có tác dụng kiểm soát bệnh, vì vậy sự kết hợp giữa thuốc và chế độ ăn uống có thể là cách tốt nhất để điều trị bệnh gout. Tuy nhiên, áp dụng chế độ ăn ít purine có lợi cho người bệnh gout.
Chế độ ăn ít purine là kế hoạch bữa ăn dựa trên các loại thực phẩm có hàm lượng purine thấp. Purine là một chất có trong thực phẩm và được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên. Purine được cơ thể phân hủy và chuyển thành acid uric. Thận thường lọc acid uric và bài tiết khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, những người bị bệnh gout đôi khi có sự tích tụ acid uric trong máu. Sự tích tụ acid uric này có thể gây sưng và đau (cơn gout tấn công). Chế độ ăn ít purine có thể giúp giảm bớt các cơn đau do gout.
2. Vai trò của purine và acid uric
Quá nhiều acid uric trong cơ thể sẽ gây ra bệnh gout. Cơ thể sản xuất hầu hết acid uric một cách tự nhiên - khoảng 2/3 trong số đó. Phần còn lại đến từ chế độ ăn uống, thường ở dạng purine. Purine là những chất có trong thực phẩm động vật và thực vật mà cơ thể chuyển hóa thành acid uric. Nếu cơ thể không thể thải acid uric qua thận, nó có thể tích tụ trong máu và lắng đọng dưới dạng tinh thể hình kim trong khớp. Những tinh thể này gây ra tình trạng viêm nặng và đau dữ dội khi bị bệnh gout tấn công.
Chuyên gia thấp khớp Larry Edwards, giáo sư y khoa tại Đại học Florida và chủ tịch Hiệp hội Giáo dục về bệnh gout cho rằng kế hoạch ăn uống tốt nhất cho bệnh gout và sức khỏe tổng thể là chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH.
Mặc dù chỉ riêng chế độ ăn kiêng là không đủ để ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh gout đối với hầu hết mọi người bệnh nhưng việc cắt bỏ thực phẩm có hàm lượng purine cao, duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể làm giảm số đợt bùng phát ở những người không dùng thuốc hạ acid uric.
3. Mức độ purine trong một số thực phẩm
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống chính được khuyến nghị theo truyền thống là chế độ ăn ít purine. Tránh hoàn toàn purine là không thể nhưng hãy cố gắng hạn chế chúng. Tham khảo về hàm lượng purine của một số thực phẩm:
Thực phẩm có hàm lượng purine cao bao gồm:
- Đồ uống có cồn (tất cả các loại)
- Một số loại cá, hải sản và động vật có vỏ, bao gồm cá cơm, cá mòi, cá trích, trai, sò điệp, cá hồi và cá tuyết, cá tuyết chấm đen.
- Thịt thú rừng; Một số loại thịt như thịt xông khói, thịt gà tây, thịt bê, thịt nai.
- Các loại thịt nội tạng, chẳng hạn như óc, tim, thận, gan.
- Nước thịt và nước sốt làm từ thịt.
- Chiết xuất men được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Thực phẩm purine vừa phải bao gồm:
- Các loại thịt như thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt lợn và giăm bông.
- Động vật có vỏ, chẳng hạn như cua, tôm, tôm hùm, hàu.
Thực phẩm có hàm lượng purine thấp như:
- Các sản phẩm ít béo và không chứa sữa- chất béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa gầy.
- Trái cây và rau quả tươi.
- Các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc.
- Chất béo và dầu.
- Khoai tây, gạo, bánh mì và mì ống.
- Trứng (ở mức độ vừa phải).
Mặc dù những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến lượng acid uric mà cơ thể sản xuất nhưng tác động này rất nhỏ so với dùng thuốc. Không có kế hoạch ăn uống cụ thể nào có thể ngăn chặn hoàn toàn các đợt bùng phát nhưng nên đặt ra mục tiêu sau để quản lý bệnh gout:
Đạt cân nặng khỏe mạnh.
Thiết lập và duy trì thói quen ăn uống tốt.
Hạn chế thực phẩm chứa purine.
Bổ sung thực phẩm có thể giúp kiểm soát nồng độ acid uric.
Uống đủ nước mỗi ngày vì chất lỏng có thể giúp cơ thể loại bỏ acid uric dư thừa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những điều cần biết về bệnh gout cấp.