Thực phẩm không an toàn vẫn “len lỏi” trong bữa ăn

08-03-2017 13:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 6/3, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.

Ngày 6/3, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 khu vực các tỉnh phía Nam. Ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM.

Số cơ sở vi phạm ATTP chiếm khoảng 20%

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 3 triệu lượt cơ sở, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%. Kết quả giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của 6 viện chuyên ngành khu vực và các chi cục ATVSTP tỉnh - thành phố trong thời gian này cho thấy, 63/1.669 mẫu không đạt yêu cầu (tỷ lệ 3,8%); nước uống đóng chai nhiễm Coliforms là 6,7%, nhiễm E.Coli là 2,6%; tỷ lệ mẫu bún, phở phát hiện có hàn the từ 0,6 - 1,6%, có formol từ 1,1 - 4,1%, có tipnopal từ 4,9 - 13,7%.Giết mổ không an toàn dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giết mổ không an toàn dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về công tác quản lý ATTP, theo Đoàn giám sát của QH, đã có chuyển biến nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập với nhiều con số đáng báo động. Mỗi năm cả nước sử dụng trên 110.000 tấn thuốc, hóa chất cho chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt chưa được kiểm soát chặt chẽ... ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm.

Việc giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm ATTP còn phổ biến ở các địa phương. Hiện nay, cả nước có 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ, nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn rất nhiều bất cập, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan nhưng việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

Cần phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đến các địa phương

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các bộ, ngành cũng như địa phương đều cho rằng, việc kiểm soát ATTP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về ATTP hiện vẫn chưa sát với thực tế. Do đó, cần có sự phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đến các địa phương.

Theo nhiều đại biểu, cần quản lý các loại thực phẩm trên thị trường ngay từ chợ đầu mối bán buôn - đây là khâu đầu tiên của thị trường. Ở Việt Nam, hệ thống thương lái đang làm cho thực phẩm mất an toàn: heo bơm nước, tôm bơm hóa chất... Do đó, nếu quản lý được thương lái ngay từ chợ đầu mối sẽ hạn chế được tình trạng mất ATTP như hiện nay. Bên cạnh đó,  nhiều người tiêu dùng biết sản phẩm mất vệ sinh, kém an toàn nhưng vẫn sử dụng (tiết canh, rượu có methanol...). Chính từ những kẽ hở quản lý và thói quen tiêu dùng của người dân đang góp phần làm cho thực phẩm không an toàn vẫn “len lỏi” trong bữa ăn hằng ngày.

Liên quan đến những quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, không truy xuất được nguồn gốc thì rất khó quản lý, xử phạt vi phạm và nguy cơ không biết hàng hóa, thực phẩm đang trôi nổi ở đâu trên thị trường là hiện hữu. Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, cần thiết phải thành lập một cơ quan chuyên trách về kiểm tra, quản lý về ATTP. Đây cũng là mô hình mà TP. Hồ Chí Minh và nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, vấn đề ATTP hiện nay đã đi đến giới hạn đỏ. Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên, nhân sự và kinh phí hoạt động tại một số địa phương được cung cấp đầy đủ nhưng vẫn để xảy ra tình trạng mất kiểm soát về ATTP. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị các địa phương, ban ngành cung cấp thông tin sát thực tế để đoàn giám sát tập hợp, báo cáo Quốc hội đề ra các giải pháp trong thời gian tới.

Sáng 6/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan làm Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM. Ðây là nơi đầu tiên cả nước được thành lập thí điểm mô hình này. Hiện, Sở Y tế TP.HCM đã bàn giao nguyên vẹn Chi cục VSATTP; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm... về Ban Quản lý ATTP. Dự kiến ngày 11/3 tới, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ ra mắt.

Ngọc Đô
Ý kiến của bạn