Thực phẩm khô: Chớ chủ quan!

24-12-2009 10:45 | Thời sự
google news

Thực phẩm khô hay còn gọi là hàng khô gồm các mặt hàng như miến, mộc nhĩ, bánh đa nem, đỗ, lạc, măng...

Thực phẩm khô hay còn gọi là hàng khô gồm các mặt hàng như miến, mộc nhĩ, bánh đa nem, đỗ, lạc, măng... Từ trước tới nay, những mặt hàng trên luôn được coi là an toàn bởi quan niệm đã được phơi khô thì lo gì thối, hỏng. Nhưng sự thực thì không hẳn như vậy.

Chế biến từ nguyên liệu không đảm bảo chất lượng

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trên chương trình thời sự của VTV đã có một phóng sự phản ánh về sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm của làng sản xuất miến So Sở. Qua phóng sự, có thể thấy rất rõ thay vì sử dụng bột đảm bảo chất lượng thì một số cơ sở sản xuất đã sử dụng loại bột bị mốc. Thậm chí thấy rõ cả những con mọt đen bò lổm ngổm trên mặt thùng bột đã được trộn nước. Còn phơi miến ư? Tất cả mọi chỗ có thể. Từ sân nhà cho tới hàng rào, bờ mương, trên mộ bãi tha ma,... miễn là chỗ đó thoáng rộng, nhanh khô sản phẩm, bất chấp không khí xung quanh ô nhiễm, mùi xú khí nặng nề hay bụi bay mù mịt.

Chuyện màu miến cũng là cả một vấn đề. Trước kia, nhiều người cứ truyền tai nhau miến đục là miến ngon, được sản xuất bằng rong riềng. Hoá ra màu miến là do hoá chất. Thích đục có đục, thích trong có trong, tuỳ theo yêu cầu của khách hàng mà cho lượng hoá chất vào nhiều hay ít.

 Cách thức bày bán hàng khô phổ biến tại các chợ.

Không hạn sử dụng

Hàng khô bày bán phổ biến tại các chợ hầu hết không có hạn sử dụng. Một điều đặc biệt nữa là chúng rất ít được đóng gói riêng lẻ, ngoài việc cho vào bao tải cả vài chục cân để dễ dàng chở đi tiêu thụ. Và khi bán, hàng khô cũng được để trần trụi ra như thế. Khi có khách mua hàng, người bán chỉ việc cân đủ theo số lượng người mua yêu cầu, cho vào túi nilon là xong. Dựa vào thực tế, có thể gọi hàng khô là loại hàng tất cả đều không: không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng, không túi bảo quản,... nên rõ ràng là không thể được coi là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy mà đại đa số người tiêu dùng đều tỏ ra rất dễ tính khi mua các loại sản phẩm này. Cái họ quan tâm nhất là giá cả đắt rẻ hoặc bánh đa nem có mềm không, bánh đa đỏ có dai không, miến có khô không... Còn khi dùng thì chỉ cần rửa sạch loại bỏ bụi bẩn là được. Nói chuyện hàng khô tất cả các tiêu chuẩn ATVSTP đều “không” thì nhiều bà nội trợ cười và cho rằng đó là chuyện bình thường. Từ trước đến nay, các mặt hàng đó vẫn như thế và có thể bán/dùng quanh năm. Do đó mới được gọi là hàng khô. Với họ, điều này mặc nhiên trở thành thói quen tiêu dùng và chỉ có hàng khô mới nhận được sự ưu ái đặc biệt này. Để ý khi chuyển sang mua các loại hàng khác như nước mắm, dầu ăn, sữa, bánh kẹo, mỳ tôm... lại thấy các bà nội trợ săm soi nguồn gốc, hạn sử dụng như thường. Cũng có một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng khô với thương hiệu, nhãn mác rõ ràng kèm cả ngày sử dụng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao lại không được nhiều bà nội trợ ưa thích. Kể cũng lạ cho các thói quen!

Không thể tiêu dùng theo thói quen

Không phải vô cớ mà các cơ quan chức năng có yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm thực phẩm là phải có ngày sản xuất, hạn sử dụng bên cạnh nguyên liệu sản xuất và nguồn gốc rõ ràng. Song, vì quan niệm đơn giản, hàng khô là an toàn nên cùng với nguyên liệu chế biến kém phẩm chất, điều kiện sản xuất không đảm bảo, chế độ bảo quản không cẩn thận đã vô tình biến loại hàng này thành nguy cơ chứa mầm bệnh cao. Các chuyên gia cảnh báo: nấm mốc, mối mọt luôn là mối đe doạ đối với thực phẩm trong điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm như nước ta. Ai dám chắc trong quá trình chế biến, vận chuyển, bày bán và bảo quản hoàn toàn không đảm bảo như đã nói ở trên, nấm mốc không "ẩn mình" trên các mặt hàng khô? Và cùng với các loại vi khuẩn tiềm ẩn khác gây hoạ cho người sử dụng?

Cho nên, dù đã là thói quen hay truyền thống tiêu dùng từ nhiều năm nay thì cũng đã đến lúc các bà nội trợ nên thay đổi suy nghĩ với sản phẩm hàng khô. Đừng để thói quen làm hại sức khỏe của mình và những người thân bởi những cách thức sử dụng sản phẩm thực phẩm đã không còn phù hợp với điều kiện sống và các tiêu chuẩn vệ sinh hiện tại. Hãy chỉ sử dụng các sản phẩm được đóng gói và có nhãn mác ghi đầy đủ các thông số cần thiết. Và chỉ nên mua vừa đủ lượng cần dùng chứ không nên tích luỹ, dự trữ lâu để nấm mốc, mối mọt có điều kiện nảy sinh và phát triển.

Thu Hiền


Ý kiến của bạn