Thực phẩm giúp ngừa chứng chuột rút

20-03-2018 06:23 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chuột rút là một hiện tượng cơ bắp bị co rút tự ý gây ra đau đớn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ cơ bắp nào, phổ biến nhất vẫn là cơ ở bắp chân và bàn chân; kéo dài từ vài giây tới nhiều phút.

Chuột rút thường xảy ra sau khi tập thể dục hoặc vận động cơ quá mức. Trong các nguyên nhân, mất nước, thiếu hụt khoáng chất hoặc thiếu vitamin là nguyên nhân thường gặp.

Vitamin ngăn chứng chuột rút

Vitamin B12: Thiếu vitamin B12 có thể liên quan đến huyết áp thấp, co thắt và yếu cơ. Những tình trạng này có thể góp phần làm co thắt hoặc co giật cơ. B12 cần thiết cho các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, đó là lý do tại sao bạn có thể bị thiếu máu nếu bạn không có đủ B12. Vitamin B12 cũng cần thiết để tổng hợp DNA và dẫn truyền thần kinh. Vitamin B12 có trong sữa, trứng, thịt và cá. Vitamin B12 cũng hòa tan trong nước, do đó có thể được lưu trữ trong cơ thể.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6, là một trong những vitamin rất cần thiết cho hoạt động co cơ.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6, là một trong những vitamin rất cần thiết cho hoạt động co cơ.

Vitamin B6: Các vấn đề về cơ xương như chuột rút có thể là do thiếu vitamin B6, thường gặp ở người nghiện rượu gây co giật cơ. Do những người nghiện rượu thường không ăn những bữa ăn có dinh dưỡng cân bằng và tích lũy nhiều chất độc hại trong cơ thể. Uống vitamin B6 có thể giúp ngăn chứng chuột rút, đặc biệt khi dùng kèm với các vitamin B khác như B12. Vitamin B6 rất quan trọng đối với một số phản ứng hóa học trong cơ thể, bao gồm việc vận chuyển glucose vào trong tế bào cơ. Khuyến cáo cần khoảng từ 1,3 -1,7mg vitamin B6 mỗi ngày. Vitamin B6 có trong rau bina, quả óc chó, chuối, cá hồi. Vitamin B6 cũng hòa tan trong nước. Đây là một trong những vitamin cần thiết cho hoạt động co cơ.

Vitamin D: Chứng chuột rút có thể do thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D cũng liên quan với ung thư xương, tăng huyết áp và đái tháo đường. Nếu bạn không nhận được đủ vitamin D, phốt pho và canxi có thể không được hấp thụ đầy đủ. Cách thông thường nhất để có được vitamin D là tiếp xúc trực tiếp da với ánh sáng mặt trời. Vitamin D có trong gan, cá béo và sữa. Khuyến cáo cần khoảng 600 đơn vị quốc tế vitamin D hàng ngày để duy trì sự phát triển của xương và cơ.

Vitamin E: Nhiều trường hợp thiếu vitamin E gây ra chuột rút do lưu thông tuần hoàn máu không tốt. Vitamin E giúp các mạch máu giãn nở, thúc đẩy tuần hoàn tốt hơn. Vitamin E đặc biệt hữu ích nếu khi bị chuột rút do bệnh lý mạch máu. Hãy dùng 1.000 IU vitamin E hàng ngày ở dạng d-alpha-tocopherol. Vitamin E là một trong những vitamin cần thiết giúp ngăn chuột rút.

Khoáng chất ngăn chứng chuột rút

Canxi: Những người có lượng canxi trong máu thấp, có  nguy cơ bị các cơn tetani, gây co cơ liên tục và đau cơ. Canxi thường có đủ trong thức ăn hàng ngày, thiếu hụt canxi hay gặp ở những người cắt bỏ các sản phẩm sữa vì sợ tăng cân. Nếu bạn không uống nhiều sữa, có thể bổ sung canxi bằng cách ăn phô mai hoặc sữa chua.

Magiê: Hiếm khi thiếu magie  nghiêm trọng, nhưng thường không đủ, đặc biệt là ở các bữa ăn phương Tây, do không có đủ trái cây tươi, rau, hạt ngũ cốc và các loại đậu. Người bị chuột rút cơ bắp nên ăn nhiều rau lá xanh như bông cải xanh, cải bắp, rau dền, rau diếp, hoặc dùng chế phẩm bổ sung magiê và canxi. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều magiê có thể gây tiêu chảy.

Kali: Một trong những khoáng chất phong phú nhất trong thực phẩm là kali, nhưng một số người vẫn thiếu. Nguyên nhân do chế độ ăn uống được làm từ cùng một loại thực phẩm. Tốt nhất là ăn nhiều rau và trái cây mỗi ngày, uống nước ép cà rốt, nho hoặc nước táo để bổ sung kali. Bạn cũng nên trao đổi bác sĩ trước khi bổ sung chế phẩm có kali, bởi vì một số loại thuốc có thể tương tác với kali. Quá nhiều kali có thể gây ra chứng tăng kali máu, gây hại cho cơ thể.

Natri: Uống quá nhiều nước, đổ mồ hôi nhiều, hoặc có rối loạn chức năng thận có thể gây thiếu hụt natri và co thắt cơ. Nếu phải làm việc lâu trong thời tiết nóng, cần phải tăng lượng natri. Nếu nghi ngờ chứng chuột rút có thể do không nhận được đủ natri, bạn nên thử thêm muối vào thức ăn trong một vài tuần tiếp theo.

Sắt: Sắt giúp vận chuyển ôxy trong cơ thể. Thiếu sắt có thể liên quan với hội chứng chân không ngừng nghỉ. Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để kiểm tra mức sắt của bạn. Có một số thực phẩm giàu sắt là gia cầm, cá, hạt và ngũ cốc.

Ngoài ra, để tránh bị chuột rút cơ bắp, cần khởi động kỹ trước khi tập thể dục. Thường xuyên massage cũng có lợi cho cơ. Uống đủ nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày và nhiều hơn vào những ngày bạn tập thể dục. Và hãy nhớ bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả trong chế độ ăn uống.


BS. Nguyễn Hải Lê
Ý kiến của bạn