1. Mối liên quan giữa ăn uống và lượng đường trong máu
Glucose là đường chính được tìm thấy trong máu, và mức độ của nó có thể tăng hoặc giảm vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân do chế độ ăn uống.
Cơ thể chúng ta tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, nơi carbohydrate trong thức ăn sẽ phân hủy thành glucose. Sau đó, dạ dày và ruột non sẽ hấp thụ glucose và giải phóng nó vào máu. Khi vào máu, glucose có thể được sử dụng ngay lập tức để làm năng lượng hoặc được lưu trữ trong cơ thể chúng ta để sử dụng sau này.
Insulin giúp cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ glucose để tạo năng lượng. Khi cơ thể bạn không tạo đủ hormone thiết yếu này hoặc không thể sử dụng nó một cách hiệu quả, như trong trường hợp mắc bệnh đái tháo đường glucose sẽ ở trong máu và giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao.
2. Một số thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp. Trong đó thực phẩm giàu chất xơ và lợi khuẩn là lựa chọn tốt giúp giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
2.1 Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu cao bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này giúp ngăn ngừa sự tăng vọt của lượng đường trong máu và có thể cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin, hormone loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
- Bông cải xanh
Sulforaphane là một hợp chất chứa lưu huỳnh được tìm thấy tự nhiên trong các loại rau họ cải, bao gồm bông cải xanh và mầm bông cải xanh.
Sulforaphane có thể giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng hấp thu glucose từ máu bằng cách điều chỉnh các protein truyền tín hiệu kiểm soát tế bào gan và phản ứng của chúng với insulin.
Tế bào gan sản xuất ceramide, các phân tử lipid béo có thể gây kháng insulin. Sulforaphane đã được chứng minh là ngăn chặn một loại enzyme liên quan đến quá trình tổng hợp ceramide. Bằng cách ức chế gen này, sulforaphane có thể làm giảm mức ceramide và cải thiện độ nhạy insulin bằng cách giảm đề kháng insulin. Khi độ nhạy insulin tăng lên, cơ thể sẽ cải thiện khả năng tiết ra insulin khi lượng đường trong máu cao để hạ thấp mức độ.
- Các loại đậu
Các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu lăng… chứa chất xơ hòa tan và tinh bột kháng, được tiêu hóa chậm hơn nhiều so với các phân tử carbohydrate và glucose đơn giản. Bởi vì chất xơ hòa tan được phân hủy với tốc độ chậm hơn, nó giúp giảm tốc độ làm rỗng của dạ dày, tăng cảm giác no và ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu.
Tinh bột kháng cũng giúp ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu sau khi ăn bằng cách được tiêu hóa chậm, có thể cải thiện việc kiểm soát đường huyết, đặc biệt ở những người bị kháng insulin.
- Trái cây có múi
Trái cây họ cam quýt có chứa đường nhưng chúng không làm tăng lượng đường trong máu như các loại thực phẩm chứa đường vì hàm lượng chất xơ cao trong vỏ và cùi của chúng.
Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, lượng đường trong máu vẫn ổn định, vì đường không vào máu nhanh và tốc độ hấp thụ đường bị chậm lại. Điều này giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết và điều chỉnh việc giải phóng insulin để giữ cho lượng đường trong máu được ổn định.
Một lượng nhỏ fructose, phân tử đường cụ thể có trong trái cây cũng có liên quan đến việc cải thiện chuyển hóa glucose, tăng hấp thu glucose của tế bào gan và giảm lượng đường trong máu sau khi ăn.
Trái cây họ cam quýt, đặc biệt là bưởi, cũng chứa naringenin, một polyphenol có tác dụng chống oxy hóa để điều chỉnh các enzym và giảm viêm và stress oxy hóa, có tác động tiêu cực đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu và kháng insulin.
Naringenin cũng giúp kích thích các enzym làm tăng hấp thu glucose vào cơ bắp và thúc đẩy khả năng cảm nhận glucose của các tế bào trong tuyến tụy để có thể tiết ra insulin để đáp ứng với mức độ tăng cao của glucose trong máu.
2.2 Thực phẩm có lợi khuẩn
- Thực phẩm lên men
Một số loại thực phẩm làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của vi khuẩn đường ruột. Điều này dẫn đến chứng viêm mạn tính và rối loạn chức năng trao đổi chất, đồng thời làm tăng nguy cơ phát triển bệnh béo phì, hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường loại 2.
Thực phẩm lên men như dưa cải bắp, bắp cải lên men hoặc rong biển lên men có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu thông qua các tác dụng có lợi của men vi sinh. Probiotics là vi khuẩn lành mạnh, khi được tiêu thụ, có thể giúp khôi phục mức độ và hoạt động của vi khuẩn tự nhiên trong ruột.
- Sữa chua
Người ta cho rằng vi khuẩn probiotic có thể giảm viêm và stress oxy hóa để ngăn ngừa kháng insulin và tạo ra các hợp chất polypeptide giúp tăng hấp thu glucose vào cơ bắp.
Sữa chua là nguồn cung cấp vi khuẩn probiotic có lợi cho đường ruột. Các chủng vi khuẩn cụ thể như Lactobacillus và Bifidobacterium là những vi khuẩn probiotic phổ biến nhất được sử dụng trong thực phẩm như các sản phẩm sữa lên men và có thể giúp giảm lượng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng tiêu thụ 150g sữa chua hàng ngày trong suốt 4 tuần có thể làm giảm lượng đường huyết sau khi ăn và điều chỉnh phản ứng insulin.
Xem thêm video đang được quan tâm
Phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ.