Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh viêm loét dạ dày
Loét dạ dày - tá tràng là bệnh khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là tăng tiết axít. Vì thế, chế độ ăn giúp giảm tiết axít, giảm tác dụng của axít dạ dày lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Không ăn quá no một lúc mà chia thành nhiều bữa (4-5 bữa), ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa axít. Mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều axít.
Ngoài ra, không nên ăn quá nhiều canh dùng với bữa cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.
Thực phẩm nên ăn
Nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các thực phẩm giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết axit và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.
Cơm
Cơm mềm giúp dễ tiêu hóa, có tác dụng làm giảm cơn đau dạ dày, tránh kích thích dạ dày tiết nhiều axit; có thể hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy. Tác dụng tương tự đối với xôi, bánh mì, bánh chưng, cháo, khoai...
Các thực phẩm thô chưa tinh chế như gạo lứt, ngô, nếp lức hay các loại đậu... giàu chất xơ, vitamin (đặc biệt nhóm B), khoáng chất và các chất chống ôxy hoá dù rất tốt cho sức khoẻ, nhưng khó tiêu hoá khi người bệnh đang có bệnh lý dạ dày.
Bánh mì
Bánh mì là cũng là một lựa chọn tốt từ nhóm đường bột, ít béo, dễ tiêu hoá. Tuy nhiên tránh dùng với bơ và mứt cho tới khi dạ dày khoẻ mạnh hơn.
Các món canh
Canh/ súp với thực phẩm đã được nấu chín, loãng, vừa giúp dễ tiêu, không gây "áp lực" với hệ tiêu hóa. Đồng thời lượng nước nhiều giúp pha loãng nồng độ axit trong dịch dạ dày làm người bệnh dễ tiêu hoá thức ăn hơn .
Nghệ, mật ong
Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong là bài thuốc Đông y chính trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ axit tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.
Ngũ cốc và rau củ
Người bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng nên ăn các loại ngũ cốc, rau củ màu đỏ và xanh đậm để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, các khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém trong bệnh lý dạ dày - tá tràng.
Thực phẩm cần hạn chế
Các thực phẩm khó tiêu hóa
Các loại đồ ăn khó tiêu như cơm rang cứng, cháy, thịt nướng… sẽ tạo áp lực lớn cho dạ dày. Thức ăn lâu tiêu khiến dạ dày phải tiết ra nhiều axit hơn để tiêu hóa.
Gia vị cay nóng
Bệnh nhân bị bệnh viêm loét dạ dày cũng cần tránh hoặc loại bỏ hẳn khỏi thực đơn những loại thức ăn có tính chất cay, nóng như ớt tươi, bột ớt, mù tạt, gừng, hạt tiêu… hoặc được chế biến nhiều dầu mỡ bởi chúng có thể kích ứng dạ dày, làm dạ dày tiết nhiều dịch hơn khiến tình trạng viêm loét càng nặng hơn.
Đồ uống
Các loại đồ uống có ga, có cồn sẽ khiến tình trạng ợ hơi, viêm loét diễn ra nhanh, mạnh, với tần suất cao hơn dẫn đến tăng thêm tình trạng nghiêm trọng của bệnh.
Trái cây
Các loại trái cây và nước ép cam, chanh chua, cà chua… là những loại thực phẩm có tính axit người bệnh cũng không nên dùng. Nếu có chỉ nên dùng một ít sau bữa ăn.
Lưu ý khi chế biến
Các loại thực phẩm khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, xay làm giảm kích thích bài tiết dịch vị và vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng. Để tiêu hóa, hấp thu thức ăn có hiệu quả bạn cần lưu ý nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên dùng thực phẩm ăn sống, nhai kỹ, ăn chậm.
Nhiệt độ thức ăn cũng ảnh hưởng đến kích thích dạ dày, ví dụ như thức ăn lạnh quá làm co bóp mạnh cơ dạ dày, thức ăn nóng quá lại làm cho niêm mạc sung huyết và co bóp mạnh hơn.
Nồng độ thức ăn cũng ảnh hưởng tới tiêu hóa. Nếu như thức ăn đặc quá thì các men tiêu hóa không thấm vào thức ăn hoặc thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi.
Do vậy thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200 ml nước. Nếu trường hợp tiêu chảy, mồ hôi nhiều thì có thể uống nhiều hơn nhưng uống ngoài bữa ăn.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19