Hà Nội

Thực phẩm chức năng: Một thị trường “vàng thau lẫn lộn”

10-08-2020 14:54 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thực phẩm chức năng (TPCN) hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) không còn xa lạ với trên thị trường và người tiêu dùng hiện nay.

TPCN được các nhà sản xuất và phân phối xây đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhằm thổi phồng tính năng “thần dược” của nhiều loại sản phẩm. Đây là hình thức “móc túi” người tiêu dùng một cách tinh vi, trong khi hiệu quả của các sản phẩm này còn chưa được kiểm chứng trên cơ sở khoa học đúng nghĩa.

Định nghĩa một khái niệm

TPCN là một khái niệm không mới và có nhiều cách hiểu khác nhau cho sản phẩm này. TPCN có thể được hiểu là một loại thực phẩm được nhà sản xuất chế biến từ các loại dược liệu, thực vật hay động vật có trong tự nhiên. Trong đó, các nguồn nguyên liệu thực phẩm này chứa những chất giúp bổ sung và cải thiện khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Là một loại thực phẩm trong quá trình chế biến, sản xuất được bổ sung nhiều thành phần có lợi cho cơ thể, sức khỏe như vitamin, khoáng chất, lợi khuẩn…

Căn cứ Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng, có thể chia thành các loại chính như sau:

Thực phẩm bổ sung: Là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng.

Các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:

a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

b) Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

Thực phẩm chức năng

Thực phẩm dinh dưỡng y học: Còn gọi là thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế, đặc biệt là loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc bằng ống xông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh. Sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: Dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác. Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) là những thực phẩm được chế biến hoặc được phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng, hoặc theo tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần của thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần của những thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.

Dù được hiểu một cách thông thường hay theo những định nghĩa chính xác theo sự quản lý của pháp luật đều phải xác định TPCN nói chung hay TPBVSK nói riêng là một loại THỰC PHẨM (nghĩa là con người có thể ăn được). Không phải là thuốc, nên luôn đi kèm chú thích trên bao bì các loại sản phẩm dòng chữ: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; để tránh người sử dụng các loại thực phẩm chức năng này hiểu lầm việc sử dụng các loại thực phẩm này có thể thay thế được thuốc.

Sự thổi phồng của quảng cáo

Với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, các mạng xã hội, số lượng người dùng đang ngày một tăng lên. Internet đã trở thành công cụ quảng cáo, tiếp cận người dùng hiệu quả và nhanh chóng. Đây là mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại TPCN “thần dược” len lỏi, tiếp cận nhanh chóng đến người tiêu dùng.

“Truy đuổi” người dùng: Với sự phát triển của các công cụ tìm kiếm, người tiêu dùng đang bị theo dõi và truy đuổi dễ dàng hơn bao giờ hết. Bằng một thao tác tìm kiếm thông tin trên các các công cụ tìm kiếm, quan tâm đến một nhóm chủ đề; thậm chí dừng lại ở một nội dung nào đó trên mạng xã hội, người tiêu dùng cũng có thể bị ghi nhận lại thông tin và trở thành mục tiêu của các quảng cáo. Trong trường hợp của TPCN, khi người dùng có nhu cầu hay gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm kiếm các thông tin này trên Internet. Các thông tin này được thu thập, trở thành công cụ đưa các nội dung quảng cáo liên quan đến người dùng một cách “đúng người, đúng bệnh”. Các quảng cáo này không đơn thuần theo sát người dùng trên một công cụ mà có thể “truy đuổi” người dùng từ nền tảng này sang nền tảng khác, từ ngày này sang ngày khác; dần ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng.

Nhiều vi phạm: Tình trạng vi phạm về quảng cáo TPCN rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài). Các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo TPCN như “thần dược”, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung,  không đúng nội dung đã được xác nhận; lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; không có nội dung khuyến cáo... là những sai phạm phổ biến.

Khó quản lý xử phạt: Khác với các hình thức quảng cáo thông thường như báo giấy, tivi... các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau và sự quản lý của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian gần đây, Cục Vệ sinh - An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã phát hiện nhiều trường hợp công bố sản phẩm trên mạng xã hội, các trang web không đúng sự thật. Khi mời đại diện doanh nghiệp tới để lập biên bản xử phạt thì phía doanh nghiệp phủ nhận việc quảng cáo sản phẩm nói trên, trong khi bình thường họ sẵn sàng phản ứng nếu bị mạo danh.

Thực phẩm chức năng

Người dùng cần tỉnh táo

Tiêu và dùng là hai cán cân của một cây cân, nếu không có người mua thì những loại TPCN “dởm”, TPCN “thần dược” sẽ không có cơ hội tồn tại. Một người tiêu dùng thông minh cần tỉnh táo để nhận biết đâu là TPCN và đâu là thuốc. Tránh nhầm lẫn để rồi tin vào những lời quảng cáo có cánh về những công dụng “thần kỳ” của những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng, thành phần; để rồi có thể dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Một bộ phận không nhỏ người tiêu còn quan niệm, “TPCN không phải là thuốc, nên có thể thoải mái dùng mà không lo ngại tác dụng phụ, hiệu quả không mong muốn đối với cơ thể”. Đây là nhận thức hết sức sai lầm, nguy hại. Theo các chuyên gia “dù là thuốc hay TPCN thì người bệnh cũng không nên tự ý dùng mà cần được sự tư vấn của bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn. Bởi khi đưa bất cứ loại thuốc hay TPCN nào vào cơ thể, đều có thể tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe mà người bệnh không lường trước được. Chưa kể nhiều loại TPCN được quảng cáo rầm rộ trên mạng; nhưng công dụng, thành phần đều chưa được chứng minh, thậm chí chưa được cấp phép”.


PHÚC VÕ
Ý kiến của bạn