Những người bị bệnh gout (gút) có thể kiểm soát các đợt bùng phát bằng cách kiểm soát thực phẩm đưa vào cơ thể. Vậy thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến bệnh gout khiến các khớp sưng đau và những điều cần tránh là gì?
Thức ăn ảnh hưởng đến bệnh gout
Chế độ dinh dưỡng của người bị gout khá quan trọng như:
- Duy trì lượng acid uric ở ngưỡng trung bình.
- Hạn chế các cơn gout cấp tái phát.
- Làm chậm tiến triển bệnh, giảm nguy cơ gout mạn tính.
- Nâng cao hiệu quả điều trị gout.
- Phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do gout mạn tính gây ra.
Nếu tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng, người bệnh không chỉ giảm nguy cơ bùng phát các đợt gout mà còn có thể làm chậm sự tiến triển các tổn thương khớp.
Ngoài ra, sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh gout bằng cách hạn chế ăn thực phẩm giàu purine. Ở người, purine được chuyển hóa thành acid uric, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và giúp ngăn ngừa tổn thương gây ra bởi các gốc tự do.
Purine không phải là điều đáng ngại đối với những người khỏe mạnh, vì acid uric dư thừa có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Nhưng ở những người bị bệnh gout, thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu purine sẽ làm tăng nồng độ acid uric huyết thanh, gây ra cơn gout cấp tính. Vì vậy, ngoài uống thuốc để ngăn tình trạng viêm và giảm acid uric, người bị gout cần hạn chế các thực phẩm chứa purine.
Những thực phẩm người bị bệnh gout nên tránh
Nếu tiêu thụ những thực phẩm giàu purine sẽ có nguy cơ làm tăng nồng độ acid uric và gây ra những cơn đau cấp tính. Chính vì vậy, người bị bệnh gout, hãy tránh xa thủ phạm chính - thực phẩm giàu purine, cụ thể:
- Thịt bò, nội tạng động vật, thịt chó, thịt ngỗng,…; các loại hải sản hay một số loại động vật có vỏ như tôm, cua, ghẹ, ốc, hến,…
- Phần lớn các loại rau củ và trái cây đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong đó cũng có những loại rau không tốt cho người mắc bệnh gout như: rau cải bắp, rau bina, măng tây, nấm,…
- Không nên ăn thực phẩm lên men, giá đỗ,… Nguyên nhân là vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.
- Không nên uống rượu bia, nước ngọt có gas vì những loại đồ uống này cũng có nguy cơ tăng acid uric đồng thời ngăn cản thận thải acid uric.
- Sử dụng vừa phải các loại thực phẩm: cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi, sò điệp, trai, hàu, vẹm, cua, tôm và trứng cá…; Thịt đỏ: thịt bê, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu; Thịt gia cầm: gà, ngỗng, ngan, vịt; Socola và cacao...
Người bệnh gout cần ăn những gì?
Tất cả các loại trái cây nói chung đều tốt cho người bệnh gout, đặc biệt là cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, táo, dừa, nho, cam quýt…
Tăng cường rau củ: một số loại rau củ rất tốt là cà rốt, ngò, dưa chuột, thì là, tỏi tây, đậu bắp, khoai tây, bí ngô. Các loại hạt óc chó, mắc ca, hạnh nhân, hạt bí, chia…; Ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, lúa mạch, gạo lứt…; Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo; Trứng; Đồ uống như trà xanh và trà thảo dược.
Tóm lại: Gout là bệnh lý viêm khớp thường gặp, bệnh gout nếu không được điều trị hợp lý có thể gây ra nhiều biến chứng, tăng nguy cơ tàn phế, các bệnh đồng mắc và tử vong.
Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như di truyền, tuổi tác, chủng tộc, giới tính thì bệnh gout có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng, tập thể dục, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
Khi bạn có các triệu chứng của bệnh gout, đặc biệt là các cơn đau đột ngột ở khớp bàn chân, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.