Theo các chuyên gia, việc thiếu máu, da đen sạm, khí huyết ứ động… có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Nếu phụ nữ nhất là ở giai đoạn kinh kỳ ăn uống không đầy đủ các dưỡng chất và vitamin khiến cho tình trạng thêm trầm trọng. Vì vậy, chị em phụ nữ trong những ngày chu kỳ kinh nguyệt cần ăn những thức ăn bổ khí huyết giúp chị em tăng cường hệ miễn dịch, khí huyết hồng hào tránh được tình trạng thiếu máu.
Thịt bò: Trong 85mg thịt bò cung cấp 2,1mg sắt. Vì vậy, có thể nói thịt bò cũng là nguồn cung cấp chất sắt phong phú, giúp cải thiện lượng hemoglobin cho cơ thể. Hemoglobin là một thành phần quan trọng trong máu. Hemoglobin được tổng hợp trong máu nhờ chất sắt. Nếu cơ thể thiếu sắt, lượng hemoglobin cũng giảm và kéo theo đó là một loạt các triệu chứng như thiếu máu, rụng tóc, mệt mỏi và đau đầu...
Hải sản: Hải sản vốn dồi dào chất sắt nên thường được xếp vào danh sách những thực phẩm có ích trong việc điều trị bệnh thiếu máu. Trong các loại hải sản, hàu có thể cung cấp 30 phần trăm chất sắt cơ thể cần chỉ trong 85g. Bên cạnh đó, thịt hàu còn rất giàu axit amin, giúp chống lại mệt mỏi và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, người tì vị yếu, khó tiêu, bị tiêu chảy, người bị đau dạ dày, viêm ruột không nên ăn quá nhiều, không ăn hàu sống. Tốt nhất là nên nấu chín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cà rốt: Nhờ hàm lượng beta-carotene phong phú mà cà rốt được biết đến như một thực phẩm đem lại lợi ích tuyệt vời, beta-carotene không chỉ có tác dụng bổ mắt mà còn là một chất dinh dưỡng đặc biệt rất có công hiệu trong việc bổ máu. Cà rốt có nhiều chất bổ khác như các vitamin A, B, C, D, E, axit folic, kali và sợi pectin (giúp hạ cholesterol máu). Những nguyên tố như canxi, đồng, sắt, magiê, mangan, phốt pho, lưu huỳnh... có trong cà rốt đều ở dạng dễ hấp thu vào cơ thể hơn bất kỳ thuốc bổ nào.
Các loại rau: Sắt dạng không heme có nhiều trong rau. Có thể kể ra đây những loại rau có màu xanh thẫm như: rau ngót, rau dền đỏ, cải xoong, súp lơ, cần ta, cần tây, rau bí, rau đay, rau muống...; Các loại đậu (đậu tương, đậu đũa, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu xanh...), các loại mộc nhĩ, nấm hương khô... trong đó, rau ngót, rau dền, đặc biệt là rau dền đỏ luôn là những thứ “ưu tiên” hàng đầu có tác dụng bổ máu. Ngoài ra, rau diếp chứa các vi lượng nguyên tố kẽm và sắt nhất định. Chất sắt trong rau diếp dễ được cơ thể hấp thụ, do đó ăn thường xuyên có thể phòng ngừa chứng thiếu máu do thiếu sắt.
Các loại hạt: Các loại hạt rất giàu chất béo tự nhiên và có chứa sắt. Các loại như đậu, lạc, vừng,.. đứng đầu trong danh sách các hạt giàu chất sắt.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu, da xanh, người mệt mỏi… còn có thể do nhiều nguyên nhân. Để xác định rõ nguyên nhân, biết cơ thể đang thiếu chất gì... nếu có dấu hiệu thiếu máu, cần đi khám để từ đó có sự bổ sung, chữa trị, bồi bổ cơ thể hợp lý.
Bác sĩ Ngô Thị Hà