Sỏi thận xuất hiện khi chất thải tích tụ, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi, dẫn đến đau dữ dội và khó tiểu. Một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, đặc biệt là sỏi canxi oxalat, là liều lượng vitamin C cao. Khi dùng với số lượng lớn, vitamin C bị phân hủy một phần thành oxalat, có thể kết hợp với canxi để tạo thành tinh thể, có khả năng dẫn đến sỏi thận.
Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu với nhu cầu hàng ngày là 75 mg đối với phụ nữ và 90 mg đối với nam giới.
TS. B. Vijay Kiran, Chuyên gia tư vấn cao cấp về thận, Viện Thận học và Tiết niệu Châu Á ở Siliguri (Ấn Độ) cho biết, vitamin C hay axit ascorbic là một chất dinh dưỡng thiết yếu với nhu cầu hàng ngày. Lượng khuyến nghị hàng ngày đối với phụ nữ là 75 mg và 90 mg đối với nam giới, tăng lên 120 mg trong thời kỳ mang thai. Trong khi giới hạn trên cho việc bổ sung được đặt ở mức 2000 mg mỗi ngày, thì mối quan hệ giữa liều cao C và sỏi thận đã thu hút sự chú ý.
Vitamin C bạn nhận được từ nguồn thực phẩm thường an toàn và không có khả năng góp phần gây ra nguy cơ này. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C như viên axit ascorbic, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi thận.
Tiến sĩ Kiran đã trích dẫn một phân tích tổng hợp cho thấy, những người đàn ông dùng liều cao vitamin C (250-1499 mg mỗi ngày) có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn, đặc biệt là với liều lượng khoảng 1000 mg.
Bất chấp những lợi ích tiềm tàng, việc dùng liều cao vitamin C, đặc biệt là qua đường tiêm tĩnh mạch, có thể gây ra những rủi ro lớn hơn lợi ích.
Để giảm nguy cơ sỏi thận, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến cáo, người lớn nên hạn chế lượng vitamin C từ thực phẩm bổ sung không quá 2.000 mg mỗi ngày và duy trì trong phạm vi này có thể giúp bảo vệ thận và giảm nguy cơ hình thành sỏi.