Liên tiếp trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhưng vẫn còn không ít thực phẩm nhập lậu được các đối tượng tuồn trót lọt vào thành phố, số lượng bị phát hiện thu giữ là không đáng kể so với lượng đã tiêu thụ. Từ đây số thực phẩm bẩn này có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều kiểu né tránh
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó có thực phẩm bẩn. Riêng Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có số vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn bị phát hiện nhiều. Cụ thể, Chi cục QLTT Hà Nội xử lý 753 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính 4,29 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 7,3 tỷ đồng. Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ 519.515 đơn vị sản phẩm, 2.006 tấn thực phẩm các loại.
Lực lượng chức năng đang bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.
Mặc dù thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả của lực lượng QLTT đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhiều đường dây, ổ nhóm bị triệt phá. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp, việc xử lý các thực phẩm bẩn gặp rất nhiều khó khăn, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều phương hướng, giải pháp thực thi hiệu quả cũng như triển khai đồng bộ các nhiệm vụ.
Liên quan đến các thủ đoạn mánh khóe nhằm qua mắt các lực lượng chức năng, trao đổi với ông Lê Quốc Dũng, Đội trưởng Đội QLTT số 15 (Chi cục QLTT Hà Nội), được biết: Địa bàn quận Hoàng Mai và Long Biên hai cửa ngõ phía Đông và Nam Hà Nội, là nơi thường được các đối tượng vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc được tập kết, trung chuyển đi đến các cơ sở kinh doanh. Các đối tượng luôn dùng đủ các chiêu trò, mánh khóe để che mắt, né tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng. Một cách thường hay được sử dụng của các đối tượng là khi biết có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phần lớn các chủ hàng đều cử đối tượng khác đi trước tìm cách ngăn cản, đánh lạc hướng, thậm chí “che chắn” cho xe chở hàng vượt qua.
Đối với việc vận chuyển bằng ôtô, các đối tượng thường tháo một số ghế ngồi ở phía sau xe khách hoặc xe con để chở hàng. Hệ thống cửa kính được lắp bằng kính màu nên nhìn bề ngoài rất khó phát hiện trong xe chở hàng hay người. Thường thì phải có sự phối hợp, hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông mới có thể dừng xe để kiểm tra. Một cách khác rất tinh vi nhưng mang lại hiệu quả cao là sử dụng xe tải vận chuyển được thiết kế thùng xe thành 2 ngăn, 2 đáy để giấu thực phẩm không rõ nguồn gốc để qua mặt các lực lượng chức năng, vận chuyển trót lọt vào thành phố.
Với những trường hợp vận chuyển bằng xe máy, nếu bị truy đuổi, các đối tượng sẵn sàng bỏ cả xe và hàng để lẩn trốn. Còn rất nhiều thủ đoạn tinh vi khác, với lực lượng mỏng, khó có thể kiểm soát hết được, dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan vào thành phố là khó tránh khỏi.
Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe
Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thì với mức xử phạt cho hành vi vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc chỉ có 2 triệu đồng rõ ràng là chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm bẩn có mức lợi nhuận cao, các đối tượng vi phạm sẵn sàng bỏ ra 2 triệu đồng để nộp phạt nếu bị bắt giữ.
Để ngăn chặn hiệu quả thực phẩm bẩn xâm nhập các thành phố lớn, lực lượng chức năng cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; cần thiết phải xử lý mạnh các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm bớt tình trạng này, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, một thực tế là việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn rất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự, trường hợp vi phạm về ATTP phải gây hậu quả chết người hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe thì mới bị khởi tố hình sự. Do đó, nếu bị phát hiện trên đường vận chuyển, các đối tượng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm cho tiêu hủy như vậy cũng không làm cho giảm nhiệt.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao ý thức đối với người kinh doanh và người tiêu dùng, kể cả các trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp có những bếp ăn tập thể, phải ưu tiên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Việc kinh doanh, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng và khiến đường đi của thực phẩm nhập lậu càng phức tạp, khó kiểm soát, từ đó nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc tập thể là không thể tránh khỏi. Đồng thời mong muốn khi phát hiện các biểu hiện gian lận thương mại vi phạm pháp luật kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn cần báo ngay với cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.
Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm ra đời, thực thi hơn 5 năm nay, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế tài xử phạt, theo nhiều chuyên gia, cũng đã rất đầy đủ. Vấn đề là công tác thanh kiểm tra, xử phạt như thế nào mà thôi. Nếu chỉ làm theo đợt, hình thức cộng thêm những tiêu cực trong kiểm tra xử lý thì đương nhiên vi phạm vẫn sẽ tràn lan.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế): Trong thời gian qua số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể liên tiếp xảy ra tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn một số địa phương. Tính đến hết tháng 7, cả nước xảy ra 102 vụ ngộ độc, trong đó có 2.909 người mắc, nhập viện 2.723 người, làm chết 17 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là 28, 1.982 người mắc, 1.948 người nhập viện và không có tử vong. Cũng theo TS. Hùng, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, có thể do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất; trong đó thực phẩm không an toàn chiếm phần lớn trong các vụ ngộ độc tập thể.
Trần Lâm