Hà Nội

Thực phẩm “bẩn” cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm

07-04-2015 23:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 diễn ra tại Hà Nội, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 diễn ra tại Hà Nội, ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, thực phẩm là vấn đề tối quan trọng đảm bảo cuộc sống, sức khỏe. Hàng năm ước tính có 2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn. Vấn đề liên quan chuỗi thực phẩm rất phức tạp, quy trình chế biến có nhiều bước cần sạch sẽ nếu không sẽ rất dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.

Năm 2014, Việt Nam có 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), có 194 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo tại Việt Nam trong năm 2014 khiến trên 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong.  Theo Cục ATTP, nguyên nhân các trường hợp tử vong hầu hết do độc tố tự nhiên có sẵn trong cóc, ốc biển lạ, cá nóc, rượu ngâm cây, rễ rừng, ve sầu nhiễm nấm, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô mốc...

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại Bệnh viện Nhiệt đới TW. Ảnh: TM

Mới đây nhất, ngày 4/4, Cục ATTP cho biết, BVĐK huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận điều trị 3 trường hợp nhập viện với chẩn đoán “theo dõi nhiễm liên cầu lợn” sau khi ăn thịt lợn chết không rõ nguyên nhân. Theo điều tra của Chi cục ATVSTP Lào Cai, tại hộ gia đình ông Vàng Seo Thống, thôn Na Áng B, xã Na Hối (huyện Bắc Hà) sau bữa cơm có 5 người ăn, khoảng 15 giờ thì 3/5 người có biểu hiện đau nhức, nổi ban, sưng đỏ và ngứa ở bàn tay (cả 3 người này tham gia chế biến và đều có vết thương hở ở bàn tay); 2 người ăn còn lại không chế biến nên không có biểu hiện bệnh. Hiện tại, qua 5 ngày điều trị các bệnh nhân đã tiến triển tốt, các nốt ban ngứa giảm dần. Qua điều tra thực tế, Chi cục ATVSTP Lào Cai xác định đây là bệnh lây truyền từ gia súc sang người do tiếp xúc (giết mổ) với gia súc bị ốm, chết.

Thực phẩm không an toàn: Vòng xoáy của bệnh tật

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virut, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại là nguyên nhân của hơn 200 bệnh - từ tiêu chảy đến các bệnh mạn tính như ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già. Những căn bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch và thương mại quốc gia.

Cũng về vấn đề ATTP, theo WHO, khoảng 5% kháng sinh được sử dụng ở Việt Nam là dùng trong nông nghiệp. Người tiêu thụ kháng sinh bất đắc dĩ qua thực phẩm hàng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể. Khi một người nhiễm bệnh mà trong cơ thể có sẵn một lượng kháng sinh rồi, việc điều trị sẽ khó khăn.

Trong năm nay, lĩnh vực trọng tâm trong công tác ATTP sẽ là rau và thịt cá - hai nhóm sản phẩm sử dụng chính trong bữa ăn. Dù có nhiều cố gắng xây dựng hệ thống cung cấp đảm bảo an toàn nhưng tỷ lệ chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số cửa hàng rau an toàn lấy rau không đảm bảo trà trộn vào; gây mất niềm tin của người dân. Một hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia hiệu quả là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa các hành vi giả mạo thực phẩm... - ông Phong nhấn mạnh.

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là An toàn thực phẩm.  Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cả người tiêu dùng, nhà lãnh đạo, người sản xuất về vai trò an toàn thực phẩm với sức khỏe. Những rủi ro sức khỏe do sử dụng thực phẩm rất khó tránh nhưng chỉ với 5 bước đơn giản tất cả mọi người dân có thể dễ dàng thực hiện để có thực phẩm an toàn. WHO khuyến cáo 5 chìa khóa này gồm: Giữ vệ sinh sạch sẽ - rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn; Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống; Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; và Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn