Hà Nội

Thực phẩm bẩn: Càng cận Tết càng lo

09-02-2015 07:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những ngày qua, vấn nạn thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng lo lắng, thời gian càng gần về Tết, nhiều đường dây cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, nước ngọt bẩn... bị phanh phui.

Những ngày qua, vấn nạn thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng lo lắng, thời gian càng gần về Tết, nhiều đường dây cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, nước ngọt bẩn... bị phanh phui. Điều này cho thấy thực trạng “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn vẫn còn gian nan, chưa kể đến các tác hại của thực phẩm bẩn đối với người tiêu dùng. Đáng lo ngại hơn khi song song với đó là số ca ngộ độc thực phẩm lác đác xảy ra...

Nhiều tỉnh thành đều “mắc”

Mới đây nhất, ngày 5/2, Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Thống Nhất tại Đồng Nai phát hiện hàng trăm kg mỡ lợn bẩn đang được chế biến tại ấp Phúc Nhạc 3, xã Gia Tân 3. Trong đó, nhiều mỡ lợn đang nấu trên hai chảo lớn, số còn lại nằm lăn lóc trên sàn nhà nhầy nhụa, cáu bẩn.

Ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh.

Trước đó, nhiều vụ vận chuyển, sản xuất thực phẩm bẩn đã bị các lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 25/1, lực lượng chức năng cũng phát hiện 750kg thịt heo bẩn tại hai điểm giết mổ lậu trên địa bàn huyện Thống Nhất. Nơi xẻ thịt là sàn nhà nhớp nhúa, tanh tưởi và nằm cạnh nhiều thùng đá chứa rất nhiều thịt đã ngả màu, bốc mùi hôi thối. Được biết, thị trường chính của những lò mổ lậu này là TP. Hồ Chí Minh.

Còn tại Hà Nội, theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 12/2014 đến nay, cơ quan này đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ thực phẩm giả, thực phẩm nhái. Đơn cử như vụ việc 15 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc được nhập lậu với giá chỉ 40.000 đồng/kg chuẩn bị được gán mác thịt bò tuồn ra thị trường.

Trên địa bàn cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn... nhiều vụ sản xuất, vận chuyển thực phẩm bẩn cũng được các lực lượng chức năng phát hiện, nhất là vào những ngày cận Tết Nguyên đán, số lượng vận chuyển tiêu thụ bị phát hiện càng nhiều. Qua đó cho thấy, vì lợi nhuận các đối tượng vận chuyển, sản xuất thực phẩm bẩn bằng mọi thủ đoạn, biện pháp để qua mặt các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm soát, cơ quan kiểm dịch để tiêu thụ ra thị trường, mặc cho sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.

Tác hại của thực phẩm bẩn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm bẩn có hai loại, một loại bị nhiễm những chất vô cơ, những chất phụ gia không nằm trong danh mục, giới hạn cho phép và các kim loại nặng, các chất phụ gia hoặc phẩm màu công nghiệp... Loại khác là bẩn theo nghĩa bị ô nhiễm bởi vi khuẩn hoặc các độc tố của vi khuẩn. Đối với thực phẩm bẩn theo nhóm một thì điều nguy hiểm là chúng thường gây ngộ độc tích tụ một cách từ từ. Chất độc khó bị đào thải, tích lũy trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm về lâu dài và theo y học chưa có cách hạn chế những tác hại của loại thực phẩm này. Bởi vậy, vấn đề kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành các loại thực phẩm bày bán trên thị trường rất quan trọng. Người tiêu dùng nên tìm mua những loại thực phẩm được kiểm định chất lượng kỹ càng, tránh mua hàng trôi nổi.

Đối với thực phẩm bẩn theo nhóm hai thì thường chúng sẽ gây những biểu hiện cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Các triệu chứng này sẽ xảy ra sớm trong vòng 24 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bẩn. Cũng không có cách nào để hạn chế tác dụng tiêu cực một khi đã ăn phải những thực phẩm này. Có nhiều người cùng ăn nhưng mức độ ảnh hưởng nặng, nhẹ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào đề kháng của cơ thể, lượng thức ăn bẩn nạp vào cơ thể và một số loại thuốc đang dùng kèm theo không liên quan đến vấn đề ăn uống. Do đó, vấn đề ở đây là cần phòng bệnh, ăn chín, uống sôi và rửa sạch.

Qua số vụ ngộ độc thực phẩm lớn nổi lên gần đây cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề thường trực trong các bếp ăn tập thể và mọi gia đình. Trong khi chờ đợi lực lượng chức năng đang căng mình vào cuộc để ngăn chặn các vụ vận chuyển, sản xuất thực phẩm bẩn, mỗi người cần bổ sung cho mình kiến thức để đối phó, hạn chế bị qua mắt bởi thực phẩm bẩn.

Trần Hòa – Mai Thạch

 

 


Ý kiến của bạn