Thức khuya có làm rụng tóc?

26-10-2024 07:01 | Thẩm mỹ

SKĐS - Cuộc sống bận rộn, nhiều người trong chúng ta ưu tiên công việc, nghĩa vụ xã hội và thời gian sử dụng màn hình hơn là nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng liệu việc thiếu ngủ có thể góp phần gây rụng tóc không?

1. Vai trò của giấc ngủ đối với sức khỏe của tóc

Tóc trải qua chu kỳ phát triển tự nhiên bao gồm 3 giai đoạn: Anagen (giai đoạn phát triển), catagen (giai đoạn chuyển tiếp) và telogen (giai đoạn nghỉ ngơi). Vậy giấc ngủ có vai trò gì trong quá trình mọc tóc này?

Thiếu ngủ xảy ra khi bạn thức khuya, không ngủ đủ giấc, có thể phá vỡ sự cân bằng của các hormone trong cơ thể. Một loại hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình mọc tóc là cortisol, thường được gọi là hormone căng thẳng. Thức khuya, thiếu ngủ dẫn đến tăng nồng độ cortisol. Nồng độ cortisol tăng cao mạn tính có thể tàn phá nang tóc, khiến tóc mỏng đi, thậm chí dẫn đến rụng tóc trong những trường hợp nghiêm trọng.

Thức khuya có làm rụng tóc?- Ảnh 1.

Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol có thể tàn phá nang tóc.

Một yếu tố quan trọng khác trong mối quan hệ giữa giấc ngủ và sự phát triển của tóc là melatonin. Hormone này chịu trách nhiệm điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức. Melatonin cũng được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ nang tóc khỏi bị hư hại do các gốc tự do gây ra. Khi thức khuya, thiếu ngủ cơ thể sẽ sản xuất ít melatonin hơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc.

Ngoài ra, ngủ không đủ giấc làm suy yếu lưu thông máu đến da đầu, khiến nang tóc không được cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh.

2. Làm gì để cải thiện tình trạng rụng tóc?

Điều chỉnh công việc, nghỉ ngơi, cải thiện thói quen sinh hoạt

Lập kế hoạch làm việc - nghỉ ngơi hợp lý. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần, đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.

Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng

- Vitamin A giúp tuyến bã nhờn sản xuất bã nhờn, bảo vệ hàng rào da đầu, đẩy nhanh quá trình mọc tóc, ngăn ngừa thoái hóa nang tóc. Bạn có thể ăn lòng đỏ trứng, sữa, các loại trái cây, rau quả có màu đỏ, vàng, cam, giàu carotene.

- Vitamin B là chất chăm sóc tóc toàn diện, có thể ngăn ngừa rụng tóc, giúp tóc chắc khỏe, làm dịu, giảm viêm. Bạn có thể ăn chuối, yến mạch, lúa mì, các loại ngũ cốc khác.

- Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ nang tóc da đầu khỏi tác hại của gốc tự do. Các loại quả mọng như dâu tây, kiwi, quả việt quất đều chứa nhiều vitamin C.

- Vitamin D có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc. Nên ăn cá hồi, nấm, sữa, ngũ cốc...

- Là một chất chống oxy hóa, vitamin E có thể bảo vệ sức khỏe da đầu, thúc đẩy sự phát triển của tóc, cải thiện chất lượng tóc. Bạn có thể ăn lúa mì, đậu nành, hạt vừng, các loại rau lá xanh khác, cũng như hạt hướng dương, hạnh nhân, các loại hạt khác...

Thức khuya có làm rụng tóc?- Ảnh 2.

Thức khuya không chỉ gây rụng tóc mà còn gây ra các vấn đề về thể chất khác.

Duy trì trạng thái tinh thần, thể chất tốt

Trạng thái thể chất và tinh thần không tốt không có lợi cho việc mọc tóc, dễ gây rụng tóc. Vì vậy việc duy trì trạng thái tinh thần cũng như thể chất tốt là rất quan trọng.

Chú ý vệ sinh, giữ da đầu sạch sẽ

Làm sạch da đầu thường xuyên có thể ngăn ngừa rụng tóc. Làm sạch da đầu đúng cách có thể phục hồi da đầu bị tổn thương, ức chế sự phát triển của vi sinh vật, giảm sự tích tụ các chất nhờn, làm cho tóc mọc nhiều, nhanh hơn.

Thức khuya không chỉ gây rụng tóc mà còn gây ra các vấn đề về thể chất khác. Nên cố gắng hạn chế thức khuya càng nhiều càng tốt, duy trì tâm trạng vui vẻ, cân bằng dinh dưỡng, cân bằng giữa công việc - nghỉ ngơi, duy trì giấc ngủ đầy đủ để có cuộc sống và mái tóc khỏe mạnh hơn.

Biện pháp ngăn ngừa rụng tóc mùa hanh khôBiện pháp ngăn ngừa rụng tóc mùa hanh khô

SKĐS - Rụng tóc mùa hanh khô khiến tóc mỏng đi rõ rệt là nỗi ám ảnh của không ít người. Chính vì vậy, bạn cần thực hiện ngay những biện pháp này để giữ mái tóc dày, mượt mà.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Rụng tóc, khi nào cần đi khám bác sĩ?| SKĐS

ThS. Trần Kiều Linh
Ý kiến của bạn