Thực hư vụ thai phụ bị ngộ độc thực phẩm tố Nhà hàng An Nam cháo vô trách nhiệm

05-10-2018 07:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Báo Sức khỏe&Đời sống nhận được đơn thư phản ánh của chị Quách Thị Thắm (địa chỉ số 446 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) gửi đến Báo Sức khỏe&Đời sống cho biết, vào khoảng 20h ngày 23/8/2018, chị Thắm cùng con trai đến Nhà hàng An Nam cháo (địa chỉ 18 Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội) mua 1 tô cháo gà hạt sen mang về nhà ăn. Sau khi ăn xong khoảng hơn 30 phút, chị Thắm có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ngay sau đó, chị Thắm đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK Quốc tế Thu Cúc, qua xét nghiệm cho thấy chị bị ngộ độc thực phẩm.

Tố nhà hàng vô trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đoàn Vũ - chồng chị Thắm cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ngày 24/8/2018, gia đình đã liên hệ lại với phía Nhà hàng An Nam cháo để phối hợp xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc và được đại diện Nhà hàng hẹn gặp vào 10h sáng ngày 9/9/2018. Gần đến giờ hẹn, mặc dù gia đình chị Thắm đã chủ động liên hệ nhiều lần nhưng đại diện Nhà hàng An Nam cháo đã không đến và tìm mọi lý do để trì hoãn cuộc gặp. “Cực chẳng đã, chúng tôi đã phải nhắn tin cho đại diện của Nhà hàng An Nam cháo để thu xếp lịch gặp và đã được vị này đưa ra lịch hẹn. Tuy nhiên, đã quá mệt mỏi vì thái độ làm việc thiếu lắng nghe ý kiến khách hàng của đại diện phía Nhà hàng An Nam cháo nên gia đình đã không đồng ý gặp. Ngay sau đó, gia đình đã nhận được cuộc điện thoại đe dọa từ một người xưng là người thân Nhà hàng An Nam cháo”, anh Vũ cho biết.

Anh Vũ cho rằng, việc bất hợp tác của Nhà hàng An Nam cháo là vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng khách hàng. Nguyên nhân ngộ độc thì đã rõ, tuy nhiên, gia đình cần nhất là xác định có phải do cháo hay không, nhưng với cách làm việc của nhà hàng đối với khách hàng cho thấy sự xem thường người khác, việc này là không thể chấp nhận được. Cũng theo anh Vũ: “Chúng tôi không có mong muốn nhà hàng phải đền bù thiệt hại gì cho gia đình, nhưng chúng tôi cần có một thái độ hợp tác, làm rõ nguyên nhân ngộ độc là do cháo mua tại Nhà hàng An Nam hay do nguyên nhân khác. Các thành phần trong cháo có gây nguy hiểm tới sức khoẻ thai nhi không bởi vì vợ tôi đang mang thai. Tuy nhiên, từ khi vụ việc xảy ra đến nay, gia đình không được nhà hàng hỏi thăm về tình trạng sức khỏe. Thậm chí với hành vi gọi điện đe dọa, gia đình chúng tôi có thể kiện (nếu muốn). Vì vậy, chúng tôi mong muốn công luận lên án hành vi nói trên, để dư luận rõ thêm về cách ứng xử của Nhà hàng An Nam cháo”, anh Vũ chia sẻ.

Thực hư vụ thai phụ bị ngộ độc thực phẩm tố Nhà hàng An Nam cháo vô trách nhiệmCơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc liên quan Nhà hàng An Nam cháo.

Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ nguyên nhân

PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã liên hệ nhiều lần với chủ Nhà hàng An Nam cháo để làm rõ thông tin độc giả nêu, tuy nhiên không được chấp nhận, chủ cửa hàng yêu cầu chúng tôi có giấy giới thiệu và thẻ nhà báo mới làm việc. Nhưng khi chúng tôi có đầy đủ giấy tờ thì chủ nhà hàng từ chối tiếp báo chí, còn thách đố PV, thậm chí thách thức cơ quan chức năng. Chúng tôi đã trao đổi sự việc trên với ông Trần Đình Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc này, ông Tụ cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra các điều kiện của cửa hàng, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nói về việc xử lý vi phạm (nếu có), ông Trần Đình Tụ cho biết, mới đây, ngày 4/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP gồm 04 chương, 39 điều, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP có 01 điều quy định về hậu kiểm (Điều 38) nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP).

Báo Sức khỏe&Đời sống tiếp tục thông tin khi có kết luận của cơ quan chức năng.


Việt Anh - Hương Lê
Ý kiến của bạn