Thực hư việc thiếu vắc xin

05-03-2015 10:46 | Thời sự

SKĐS - Với tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, đã khiến dư luận xôn xao và các bậc phụ huynh lo lắng. Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm y tế dự phòng về vấn đề này.

Với tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, đã khiến dư luận xôn xao và các bậc phụ huynh lo lắng. Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm y tế dự phòng về vấn đề này.

PV: Có thông tin cho rằng hiện nay đang không có vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1 để tiêm phòng dịch vụ, ông hãy cho biết vì sao lại có sự khan hiếm này?

TS.BS. Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm y tế dự phòng

TS.BS. Nguyễn Nhật Cảm

TS.BS.Nguyễn Nhật Cảm: Đúng là thời gian qua, 2 loại vắc xin này bị gián đoạn, không có thường xuyên để phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Trước tình trạng này, Cục Y tế dự phòng đã có buổi làm việc với các cục, vụ, viện cùng các đơn vị phân phối và nhà sản xuất để làm rõ vấn đề này. Qua buổi làm việc đã cho thấy, việc khan hiếm này do cung không đủ cầu.

Một số hãng dược phẩm thay đổi công nghệ - dây chuyền sản xuất nên cũng mất khá nhiều thời gian để ổn định. Trong năm vừa qua, trên thế giới có nhu cầu tăng đột biến vắc xin này nên các hãng dược phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường. Vắc xin là một loại dược phẩm đặc biệt, với thời hạn sử dụng ngắn, quy trình vận chuyển và bảo quản nghiêm ngặt nên không thể mua hàng từ trước đó để tích trữ được. Hơn nữa, vì sự gián đoạn trong sản xuất và thiếu vắc xin để bán nên các nhà sản xuất vắc xin phải ưu tiên cho các đơn đặt hàng lớn đã có từ trước.

PV: Việc thiếu vắc xin khiến rất nhiều trẻ không được tiêm chủng dịch vụ đúng độ tuổi khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng. Ông có ý kiến gì về việc này?

 

Hay cho tre di tiem chung dung lich va du mui vắc xin de phong benh

TS.BS.Nguyễn Nhật Cảm: Vắc xin 5 trong 1 để phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Còn vắc xin 6 trong 1, ngoài các bệnh này còn phòng thêm bệnh viêm gan B. Các vắc xin phòng các bệnh trên thì trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều có. Ví dụ như  Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có tác dụng phòng 5 bệnh. Các vị phụ huynh có thể đưa con em mình tới các trạm y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tiêm phòng miễn phí các loại vắc xin cho trong chương trình mà hiệu quả phòng bệnh vẫn lên tới hơn 95%. Nhưng để đạt được hiệu quả phòng bệnh như vậy, trẻ cần được tiêm phòng đủ mũi và đúng lịch, nếu không thì trẻ có thể bị mắc bệnh. Do vậy, phụ huynh tuyệt đối không nên đợi đến khi có vắc xin tiêm dịch vụ mới tiêm cho con.

PV: Nói tới Quinvaxem, có phải vì thời gian qua đã xảy ra vài tai biến đáng tiếc khiến cho các bậc phụ huynh thiếu tin tưởng vào loại vắc xin này nên đã quay sang lựa chọn tiêm chủng dịch vụ?

TS.BS.Nguyễn Nhật Cảm: Những vụ việc tai biến nặng sau khi tiêm phòng đã được Bộ Y tế cùng với các hội đồng khoa học nghiên cứu, thẩm tra… và đã khẳng định nguyên nhân xảy ra tử vong không liên quan tới Quinvaxem và hiện nay vắc xin này vẫn được sử dụng bình thường. Mỗi một năm, trong hệ thống tiêm chủng mở rộng trên toàn thành phố (toàn quốc?) hàng triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được tiêm và có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em, do vậy người dân hãy yên tâm khi đưa con đi tiêm phòng vắc xin này.

Tôi muốn lưu ý các bậc phụ huynh rằng, vắc xin cũng là thuốc và cũng có một tỷ lệ nhất định trẻ có phản ứng mạnh với thuốc. Do đó, sau khi tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin nào nếu thấy dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đi khám bệnh để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, khi đưa con đi  tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo về tình trạng sức khỏe, bệnh cấp tính hoặc mạn tính mà trẻ đang mắc phải để có thể hoãn tiêm cho tới khi trẻ có đủ sức khỏe để đáp ứng được với việc tiêm chủng. Để đảm bảo an toàn tối đa tiêm chủng, chúng tôi cũng đã khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm, do vậy phụ huynh có thể yên tâm khi cho con tiêm phòng.

PV: Có thông tin cho rằng sự khan hiếm vắc xin tiêm chủng dịch vụ đã khiến một số nơi tích lũy vắc xin và đẩy giá lên cao, ông có ý kiến gì về việc này?

TS.BS.Nguyễn Nhật Cảm: Với tất cả các vắc xin tiêm dịch vụ tại các cơ sở y tế đều phải niêm yết giá công khai. Nếu cơ sở y tế nào có sự tăng giá bất thường thì cha mẹ bệnh nhân cần phản ánh để cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện được nơi nào vì hàng khan hiếm mà tích lũy rồi trục lợi, chắc chắn nơi đó sẽ bị xử lý và phải chịu trách nhiệm.

PV: Ông có thể cho biết là tới khi nào thì có vắc xin phục vụ nhân dân?

TS.BS.Nguyễn Nhật Cảm: Tới nay thì các hãng dược phẩm cũng chưa có hứa hẹn gì về việc cung cấp vắc xin cho chúng ta. Sắp tới sẽ có một đợt vắc xin mới được nhập về, nhưng số lượng không nhiều và chắc chắn cũng không đủ để đáp ứng thường xuyên. Vừa qua, Cục y tế Dự phòng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu và phân phối khi có vắc xin về phải phân phối ngay và phải công khai số lượng vắc xin nhập về và số lượng đã phân phát tới các đơn vị tiêm chủng. Nhưng xin được nhắc lại rằng số lượng vắc xin sẽ không có thường xuyên, nhưng các vị phụ huynh không vì thế mà hoang mang lo lắng. Hãy đưa con mình đi tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế đúng lịch để con em chúng ta được phòng bệnh một cách triệt để.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này

 

 

Thu Hà (thực hiện)


Ý kiến của bạn