Hà Nội

Thực hư về chất chống ôxy hóa trong phòng trị ung thư

04-08-2014 16:00 | Dược
google news

SKĐS - Từ trước đến nay, các nhà khoa học thường khuyến cáo dùng chất chống ôxy hóa nhằm tăng cường sức khỏe, trong đó có việc hỗ trợ phòng trị ung thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ lại đưa ra những quan điểm trái ngược với khuyến cáo này.

Như chúng ta đã biết, gốc tự do là nguyên nhân thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa và nhiều bệnh tật nguy hiểm. Ngay từ khi sinh ra, cơ thể con người đã phải đối mặt với gốc tự do, chúng liên tục được sinh ra bởi các quá trình chuyển hóa trong cơ thể và các tác động từ bên ngoài. Tuổi tác ngày càng tăng thì số lượng gốc tự do cũng không ngừng sản sinh, tấn công vào nhiều bộ phận của cơ thể. Đáng chú ý, khi cuộc sống căng thẳng cũng là lúc “đội quân” gốc tự do “thừa cơ” gia tăng nhanh chóng, thúc đẩy sự lão hóa và làm các bệnh lý sớm phát triển. Ở mức độ nặng, gốc tự do gây nên đột biến DNA, sinh ra các tế bào lạ trong cơ thể và các tế bào lạ đó sẽ phát triển vô tổ chức và tạo ra ung thư, do đó, các nhà khoa học thường khuyến cáo dùng chất chống oxy hóa để hạn chế hoặc khử bớt các gốc tự do nhằm hỗ trợ quá trình phòng trị ung thư. Dù trên thực tế, điều này chưa được kiểm chứng trong lâm sàng nhưng cộng đồng khoa học vẫn chấp nhận. Từ đó, các hãng dược phẩm lớn đua nhau sản xuất, chế ra nhiều sản phẩm có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, selen, betacaroten... và  quảng cáo “có lợi cho việc hỗ trợ  phòng chống ung thư”.

Gốc tự do phá hủy tế bào thường thành tế bào lạ có nguy cơ gây ung thư.

Tuy nhiên, gần đây, GS.TS. David Tuveson - Giám đốc Công ty Lustgarten Foundation và GS.TS. Navdep S Chandel thuộc Trường đại học Y khoa Northwestern đã công bố trên Tạp chí danh tiếng The New England Journal Medicine một công trình nghiên cứu ngắn, nêu lên ý kiến trái ngược với quan niệm trước đây mà theo đó thì chất chống oxy hóa từ thuốc hay thức ăn không đem lại lợi ích gì trong phòng chống ung thư. Trước công bố này, một thử nghiệm đã được họ tiến hành cho thấy: nhóm người hút thuốc lá được dùng thêm chất chống oxy hóa betacaroten, nhưng ung thư phổi ở nhóm những người này không hề giảm mà vẫn cao. Và họ lý giải điều này như sau:

Tế bào bình thường trong quá trình chuyển hóa (hay hô hấp tế bào) sẽ sinh ra gốc tự do và đồng thời cơ thể cũng sinh ra các chất chống lại gốc tự do dư thừa còn gọi là chất chống oxy hóa tự nhiên. Đó là quá trình hoạt động sinh lý bình thường. Gốc tự do và chất chống oxy hóa tự nhiên ở một ngưỡng nào đó là có lợi, đảm bảo cho quá trình hoạt động sinh hóa bình thường (chuyển hóa, tồn tại, phát triển). Điều này cũng được TS. Siegfried Hekimi thuộc Đại học Mc Gill, Canada nêu lên trong nhiều hội thảo khoa học quốc tế trước đây.

Rau, củ, quả có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, selen, betacaroten...

Tế bào ung thư cũng sinh ra gốc tự do và chất chống oxy hóa tự nhiên nhưng ở mức cao hơn ở tế bào thường. Cũng giống như ở tế bào thường, gốc tự do và sự chống oxy hóa tự nhiên là một cách phòng vệ vốn có của tế bào ung thư để chuyển hóa, tồn tại, phát triển.

Bởi vậy, khi đưa chất chống oxy hóa vào cơ thể (dưới dạng thuốc thức ăn) thì chất chống oxy hóa không đi vào tế bào ung thư vì trong tế bào ung thư, chất chống oxy hóa tự nhiên vốn đã ở mức cao. Lúc đó, chất chống oxy hóa lại đi vào các tế bào ở nơi xa xôi khác ngoài tế bào ung thư và tế bào ung thư vẫn thực hiện quá trình chống oxy hóa tự nhiên của nó để tồn tại, phát triển. Vì vậy, dùng các chất chống oxy hóa không có lợi gì trong phòng trị ung thư.

Cũng theo các GS-TS trên, theo quan niệm truyền thống, do quá trình oxy hóa tăng mà tế bào bình thường bị  “già hóa” và “chết già”. Tế bào ung thư cũng già và chết theo qui luật này. Trong cách điều trị ung thư truyền thống, dùng xạ trị là dùng cách tăng cường quá trình oxy hóa để giết tế bào ung thư. Như vậy, cho chất chống oxy hóa vào tế bào ung thư thì đã làm ngược lại với quá trình giết chết tế bào ung thư bằng xạ trị. Cách làm ngược như thế dĩ nhiên sẽ không có lợi mà có thể có hại.

Mặc dù cần phải chờ thêm các nghiên cứu khác nữa để lý giải, chứng minh cho các quan điểm trên nhưng dẫu sao nghiên cứu, lý giải này cũng giúp ta hiểu không nên lạm dụng chất chống oxy hóa trong phòng trị ung thư.

(Theo New England Journal of Medicine, 2014)

DSCKII. Bùi Văn Uy

 


Ý kiến của bạn