Những lùm xùm liên quan đến chuỗi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (thuộc Công ty CP đầu tư Apax Holdings - công ty con của Tập đoàn Giáo dục Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) là Chủ tịch của Tập đoàn đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Rất nhiều phụ huynh và nhà đầu tư tham gia góp vốn ở chuỗi giáo dục này lo lắng, bất an trước các tin đồn ông chủ trốn nợ ra nước ngoài, thua lỗ, bị cưỡng chế thuế… Trước những thông tin thiếu tích cực về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cùng những tin đồn bất lợi về cá nhân, ông Thủy đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Phủ nhận tin đồn làm hồ sơ định cư tại châu Âu
Tại buổi gặp gỡ và giải đáp thắc mắc của các cổ đông và nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động đầu tư vào Tập đoàn Egroup, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, những tin đồn cho rằng ông đã nhờ một công ty dịch vụ làm hồ sơ cho gia đình định cư ở châu Âu là hoàn toàn bịa đặt. Phía Egroup đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin của các cá nhân tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Thủy khẳng định, chưa bao giờ có suy nghĩ rời bỏ tổ chức hay bỏ rơi cổ đông và khách hàng. Với tư cách là người đứng đầu Tập đoàn Egroup, ông Thủy cũng gửi lời xin lỗi vì sự gián đoạn thông tin không mong muốn và chậm trễ thanh toán các khoản gốc, lãi suất trong thời gian vừa qua.
"Để xảy ra tin đồn như vậy là có lỗi của tôi. Trong giai đoạn xảy ra tin đồn, ngày nào tôi cũng lên văn phòng làm việc, gặp mọi người. Tuy nhiên, tôi lại không tham gia mạng xã hội. Tôi cũng biết sức mạnh của mạng xã hội rất ghê gớm và đây là một bài học kinh nghiệm cho tôi.
Đây là lỗi của tôi và tôi gửi lời xin lỗi đến tất cả cổ đông, cán bộ nhân viên, đặc biệt các quý phụ huynh, khách hàng vì tôi đã không lường được sức ảnh hưởng của mạng xã hội lại có tác động tiêu cực lớn như vậy", Shark Thủy trả lời trên Vietnamnet.
Bên cạnh đó, Shark Thủy mong cổ đông thấu hiểu, đồng thuận giảm lãi suất, cho thêm cơ hội và thời gian khoảng 2-3 năm. Lý giải cho điều này, ông Thủy cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục của hệ thống phải đóng cửa hơn 2 năm (2020-2021), không có nguồn thu và gần một năm (2022) tập trung các nguồn lực cho hoạt động vận hành, phục hồi kinh doanh sau đại dịch.
Cũng theo ông Thủy, với hệ thống lớn, tập đoàn gặp gánh nặng về chi phí mặt bằng, vận hành, lương nhân viên và rất nhiều nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Điều này đã khiến việc thực hiện nghĩa vụ đối với các cổ đông bị gián đoạn.
Hiện, Egroup đã và đang có kế hoạch phục hồi hệ thống và tái cấu trúc Apax English/Apax Leaders - đơn vị thành viên giáo dục lớn nhất của Egroup nhằm tối ưu hóa chi phí mặt bằng và vận hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo đó, Tập đoàn sẽ chú trọng vào các hoạt động kinh doanh lõi là đầu tư giáo dục, mở lại nhanh nhất các trung tâm tiếng Anh hiện có và hướng tới phát triển mạnh dần sang thị trường Campuchia, các nước Đông Nam Á, Dubai và Nam Phi… Ngoài ra, Egroup cũng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giáo dục, phát triển các dự án bất động sản giáo dục, nghỉ dưỡng và dưỡng lão.
Đề xuất phụ huynh chuyển học phí thành hợp đồng vay có lãi suất
Ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, khi được mở cửa trở lại, trung tâm tiếng Anh Apax Leader hoạt động khá tốt. Các tháng trước, doanh nghiệp bắt đầu có các khoản thu học phí đúng kế hoạch. Tuy nhiên, do tồn đọng nhiều công nợ từ giai đoạn COVID-19 nên bị ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của các trung tâm. Đó là các công nợ với các chủ cho thuê mặt bằng chưa đàm phán được. Các trung tâm có chi phí mặt bằng quá lớn nên tập đoàn phải chuyển sang mặt bằng có chi phí thấp hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng trải nghiệm như vậy.
Cùng đó, sau dịch COVID-19, các trung tâm tiếng Anh của cũng bị thiếu giáo viên, đặc biệt là ở các trung tâm ở tỉnh thành. Đa phần, giáo viên muốn sống ở các thành phố lớn, ví dụ như Hà Nội hay TP. HCM. Do đó, việc điều phối giáo viên đi các tỉnh cũng khó khăn. Vì các lý do này, một số trường hợp học sinh đóng học phí nhưng doanh nghiệp chưa tổ chức xếp lớp được nên phải duy trì học online.
Nói về việc nhiều phụ huynh lên tiếng đòi lại học phí vì đã đóng tiền đi học nhưng không nhận lại được dịch vụ như đã cam kết, ông Thủy chia sẻ với nguồn lực tài chính hiện nay, doanh nghiệp muốn dồn tập trung cho việc tái cấu trúc, tái khai trương để mở lại các hoạt động của trung tâm. Doanh nghiệp hiện đang đề xuất với các phụ huynh là cho chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
"Thực tế, không phải chúng tôi không trả, mà đang trả dần. Chúng tôi đang đề xuất với phụ huynh cho chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và sẽ trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc. Đúng ra bây giờ chúng tôi đã hoạt động tốt rồi, nhưng khi có doanh thu, chúng tôi phải tập trung quá nhiều vào việc giải quyết công nợ và câu chuyện rút phí, khiến chúng tôi không thể duy trì hoạt động một cách liên tục", ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết.
Shark Thủy cũng đã gửi lời xin lỗi đến phụ huynh và mong muốn mọi người có thể cho mình thêm thời gian để tập trung vào việc đưa trung tâm hoạt động trở lại bởi đó là cách duy nhất để hồi phục. Khi đó, công ty sẽ đảm bảo hết tất cả các quyền lợi tài chính của quý phụ huynh. Ông khẳng định, tập đoàn đặt ra mục tiêu tái cấu trúc trong vòng 4 tháng, chậm nhất vào hết tháng 3/2023 sẽ mở lại tất cả các trung tâm và mọi thứ sẽ được nâng cấp.
Đối với các phụ huynh rút phí, tập đoàn sẽ thanh toán dần sau khi tái cấu trúc, tức vào khoảng sau tháng 4/2023. Theo đó, công ty sẽ chia ra các kỳ để trả. Những phần trả chậm thì công ty sẽ trả như một khoản vay.