Hổ xuất hiện ở Quảng Bình?
Sáng 8/6, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, đã báo cáo với cơ quan chức năng về việc người dân phản ánh thấy một con hổ trong rừng phòng hộ.
Theo trình báo của chị Hồ Thị Vinh, trú xã Trường Sơn, cách đây 5 ngày, chị cùng 3 phụ nữ khác vào khu vực rừng Đìu Đo, xã Trường Sơn lấy dây mây. Lúc này, chị Vinh đã giáp mặt với một con hổ lớn, cách chị chừng 30m. Chị Vinh sau đó đã chạy về lán, thông báo với người đi cùng là chị Hồ Thị Tha, nhưng chị Tha không tin.
Tuy nhiên, sau đó, khi đi hái rau rừng về ăn, chị Tha đã giáp mặt với con hổ, chỉ cách chừng 20m. Sự việc đã được 2 người phụ nữ kể lại với người dân trong vùng, một cụ bà trú xã Trường Sơn xác nhận trước đó cũng nghe tiếng hổ gầm trong rừng Đìu Đo.
Người dân địa phương cho rằng, khu vực rừng Đìu Đo là nơi có nguồn nước, các loài động vật thường tìm về đây để uống nước nên hổ thường xuất hiện. Được biết vào những năm đầu 1990 vùng rừng xã Trường Sơn cũng là nơi từng có nhiều cá thể hổ về trú ngụ.
Sau khi thoát khỏi khu vực nguy hiểm, nhóm người dân đã báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm. Ngay lập tức, cơ quan kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ đã đến hiện trường để kiểm tra và xác minh tình hình. Cơ quan chức năng sẽ đặt bẫy ảnh nhằm xác minh cá thể hổ này có hay không.
Bẫy ảnh là công cụ nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã, là công cụ quan trọng trong các chiến dịch bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Bẫy ảnh sẽ thu thập, lưu lại được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân phản ánh nhìn thấy hổ trong tự nhiên, song cho đến nay, bằng các biện pháp kỹ thuật hiện đại, vẫn chưa thể tìm thấy dấu vết hổ còn trong tự nhiên Việt Nam theo phản ánh này.
Gần đây nhất, ngày 9/6/2023, trong lúc đi làm nương, người dân ở xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bất ngờ nhìn thấy hai con hổ xuất hiện ở gần nương rau. Tuy nhiên sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì không thấy dấu hiệu nào của hổ.
Tháng 8/2022, cơ quan chức năng cũng đã đặt bẫy ảnh tại khu vực rừng Km24 đường 20 Quyết Thắng - nơi được người dân trình báo thấy hổ tự nhiên xuất hiện ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng song không cho kết quả.
Nhiều chục năm không nhìn thấy dấu tích hổ trong tự nhiên
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, bức ảnh chụp được hổ cuối cùng ở Việt Nam là từ năm 1998. Đã 24 năm, giới bảo tồn động vật hoang dã không thu thập được bằng chứng, dấu tích nào của hồ trong tự nhiên. Dù vậy, khi phỏng vấn thì một số người dân vẫn nói có dấu vết của hổ, nhưng chưa cái nào được xác nhận.
Theo số liệu của tổ chức Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).
Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của IUCN, tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.
Trên trang thông tin của Sách Đỏ IUCN, hổ thậm chí còn được nhận định có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Những thông tin này cho thấy tình trạng của loài hổ hiện nay là vô cùng nguy cấp. Nếu không hành động kịp thời, hổ có thể sẽ nối gót tê giác, vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam.
Hổ Việt Nam đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam.
Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ. Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 8/6 | SKĐS