Nguy cơ nhiễm vi nhựa từ kẹo cao su
Theo nhóm nghiên cứu Đại học California, Los Angeles (UCLA) của Mỹ, nhai kẹo cao su có thể giải phóng hàng trăm hạt vi nhựa vào nước bọt, góp phần vào phơi nhiễm vi nhựa trong cơ thể con người. Kết quả trên được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở San Diego. Công trình dự kiến xuất bản trên tạp chí Hazardous Materials Letters vào cuối năm nay.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 10 loại kẹo cao su phổ biến trên thị trường Mỹ, bao gồm cả loại tổng hợp và tự nhiên. Một tình nguyện viên được yêu cầu nhai kẹo trong vòng 4 phút. Cứ sau 30 giây, nước bọt tiết ra được thu thập và tình nguyện viên súc miệng bằng nước tinh khiết để thu gom vi nhựa còn sót lại trong miệng. Phương pháp này được lặp lại 7 lần cho mỗi loại kẹo.

Nhai kẹo cao su có khả năng bị nhiễm vi nhựa.
Một số mẫu được nhai trong thời gian kéo dài đến 20 phút để đánh giá tác động của thời gian nhai đối với lượng vi nhựa giải phóng. Sau đó, các mẫu nước bọt được phân tích bằng kính hiển vi và các phương pháp lọc hóa học nhằm đảm bảo kết quả chính xác.
Phân tích cho thấy trung bình 1 gam kẹo cao su thải ra khoảng 100 hạt vi nhựa, với một số loại ghi nhận lên tới 637 hạt. Hơn 94% vi nhựa được thải ra trong 8 phút đầu tiên của quá trình nhai. Đáng chú ý, kẹo cao su tự nhiên không làm giảm đáng kể lượng vi nhựa giải phóng. Kẹo cao su tổng hợp và tự nhiên đều phóng thích các polyme như polyolefin, polyterephthalate (PET), polyacrylamide và polystyrene – những vật liệu nhựa quen thuộc trong sản phẩm tiêu dùng, theo tiến sĩ Tasha Stoiber, chuyên gia tại Nhóm Công tác Môi trường.
"Việc vi nhựa được giải phóng không phải là điều bất ngờ. Bất kỳ loại nhựa nào khi chịu tác động từ nhiệt, ma sát hay lực cơ học – như nhai – đều có thể giải phóng vi nhựa", tiến sĩ David Jones, Giảng viên tại Trường Môi trường và Khoa học Đời sống, Đại học Portsmouth, nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh, trung bình con người hít thở, ăn và uống khoảng 250.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Theo BS Phạm Quang Trung, Học viện Quân y, cho biết, kẹo cao su là nguồn tiềm năng của hạt vi nhựa có thể gây ô nhiễm vào cơ thể con người vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi, mặc dù kẹo này rất phổ biến trên toàn thế giới. Vì vậy, nghiên cứu xác định số lượng vi nhựa mà một người có thể ăn phải khi nhai kẹo cao su tự nhiên và tổng hợp là cần thiết.
Kẹo cao su được làm từ một loại cao su nền, chất tạo ngọt, hương liệu và các thành phần khác. Các sản phẩm kẹo cao su tự nhiên sử dụng một loại polyme có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như nhựa cây chicle hoặc nhựa cây khác, để đạt được độ dai phù hợp, trong khi các sản phẩm khác sử dụng cao su nền tổng hợp từ polyme có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Cả kẹo cao su tổng hợp và tự nhiên đều có lượng vi nhựa thải ra tương đương nhau khi chúng ta nhai chúng và chúng cũng chứa cùng một loại polyme: polyolefin, polyethylene terephthalate, polyacrylamide và polystyrene. Các loại polyme phổ biến nhất đối với cả hai loại kẹo cao su là polyolefin, một nhóm nhựa bao gồm polyethylene và polypropylene. Hầu hết các hạt vi nhựa tách ra khỏi kẹo cao su trong vòng 2 phút đầu tiên nhai.
Theo Bs Phạm Quang Trung, nhựa thải ra nước bọt chỉ là một phần nhỏ nhựa có trong kẹo cao su. Hãy lưu tâm đến môi trường và đừng chỉ vứt kẹo cao su ra ngoài hoặc dán vào thành kẹo cao su. Nếu kẹo cao su đã qua sử dụng không được vứt bỏ đúng cách, thì đây cũng là một nguồn gây ô nhiễm nhựa khác cho môi trường.
Tìm bằng chứng khoa học về tác hại của vi nhựa
BS Phạm Quang Trung cho biết, theo các nghiên cứu trước đây, vi nhựa có khả năng xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp. Chúng đã được phát hiện trong máu, phổi, não, nhau thai và thậm chí cả tinh hoàn, làm dấy lên mối lo ngại về tác động lâu dài đối với sức khỏe. Tuy nhiên đến nay chưa có các bằng chứng rõ ràng, cần phải nghiên cứu thêm.
Theo GS.TS Phạm Hùng Việt, Đại học Khoa học Tự nhiên, học Quốc gia Hà Nội, dẫu là chất thải nhựa hay vi nhựa - nhựa ở dạng mảnh, sợi hay hạt với kích thước không quá 5mm chúng đều có một đích đến: Đại dương. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước đã khiến vi nhựa trở nên nguy hiểm và khó đoán định. Chúng ra đến biển bằng cách nào? Chúng ảnh hưởng như thế nào đến môi trường? Chúng có tác động gì đến sức khỏe?
Giống như các loại ô nhiễm khác, con đường gây ô nhiễm của chất thải nhựa và vi nhựa là một chuỗi hành trình bắt nguồn từ việc sử dụng và xả thải của con người. Khi đó, chúng thường ra sông ra suối, theo dòng chảy qua các vùng đô thị tới vùng duyên hải ven bờ rồi đổ ra biển, đi vào trầm tích hoặc trôi nổi theo các dòng hải lưu.
Dù tồn tại ở đâu, không khí hay đất liền, nước mặt hay trầm tích, sông ngòi, hồ ao hay biển cả, chúng cũng gồm 2 loại: Dạng sơ cấp (primary microplastics) và dạng thứ cấp (secondary microplastics).
Với dạng sơ cấp, chúng được sản xuất làm nguyên liệu cho các sản phẩm thương mại như kem đánh răng, sữa rửa mặt, vải vóc, chất tẩy rửa, sơn tường… Ở dạng thứ cấp, chúng được hình thành từ quá trình xuống cấp, phân rã và phong hóa của các sản phẩm nhựa lớn như chai nước, túi, hộp, ô dù, thiết bị điện tử, ngư cụ...
Quá trình phong hóa và phân hủy theo thời gian của chất thải nhựa thành vi nhựa, thậm chí là nano nhựa, phức tạp không kém quá trình vận chuyển chúng. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường xung quanh như bức xạ Mặt trời, nhiệt độ, sóng, mưa, gió…
Vấn đề phức tạp nhất của nhựa và vi nhựa là chúng tồn tại hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn. Sự bền bỉ - một trong những phẩm chất "tự hào" nhất của nhựa, giờ lại là "lời nguyền" của nó. Bởi điều đó có nghĩa là nhựa sẽ ở lại trong môi trường của chúng ta tới vài trăm năm, thậm chí lâu hơn.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đang mò mẫm tìm đường bởi các nghiên cứu về vi nhựa rất phức tạp và đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Vì vậy, chủ yếu các nghiên cứu về vi nhựa mới chỉ dừng lại ở việc xác định hình thái, kích thước, phân bố ban đầu… của vi nhựa trong tự nhiên chứ chưa có những nghiên cứu sâu về cơ chế hấp phụ độc chất hay tác động của vi nhựa lên hệ sinh thái.
Mỗi năm có khoảng 3,6 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh ở Việt Nam chưa được thu gom đúng cách, trong đó có khoảng 453 nghìn tấn rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương.
Khảo sát của các nhà khoa học tại Huế, Nam Định, Bình Định và Thanh Hóa trên vẹm xanh, loài trai hai mảnh vỏ cho thấy, các loài này có chứa vi nhựa dạng sợi và mật độ của nó vào khoảng từ 1 - 1,7 hay 2,6 gam ướt. Câu hỏi về ảnh hưởng của phơi nhiễm vi nhựa vẫn đang thường trực trong đầu các nhà khoa học và họ mong muốn một ngày nào đó có thể trả lời được nó.