Hiện nay, nhiều người đã mua, dự trữ an cung ngưu hoàng hoàn và coi đây như một bảo bối trong nhà với niềm tin viên “thuốc tiên” này có thể trị được bệnh đột quỵ. Ðây chính là lý do họ phải mua thuốc với giá cắt cổ để đem về siêu lợi nhuận cho người bán. Tuy nhiên, cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều bác bỏ tác dụng của thuốc này đối với đột quỵ.
Niềm tin không có cơ sở
Chị N.T.H. ở Thái Bình được bạn bè rỉ tai nhiều lần về công dụng thần thánh của an cung ngưu hoàng hoàn. Mưa dầm thấm lâu, chị cũng cố gắng mua ba viên với mức giá trung bình để cất trong tủ thuốc phòng khi cần đến. Cách đây không lâu, bố chồng chị đang tưới cây ngoài vườn thì đột ngột ngã ra đất, miệng ú ớ không thành tiếng. Chị H. vội vàng lấy một viên cho bố chồng uống rồi nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa ông đến bệnh viện gần nhất. Sau một tuần điều trị, sức khỏe của ông đã ổn định. Chị không khẳng định được do tác dụng của viên thuốc này hay việc đưa ông đến viện sớm đã giúp ông tránh được những hậu quả nặng nề của đột quỵ. Nhưng kể từ đó, chị càng tin tưởng vào viên thuốc này hơn và dĩ nhiên, chị đã mua thêm thuốc, khuyến khích bố mẹ dùng để phòng bệnh. Chị cũng đã truyền miệng “kinh nghiệm” này của mình cho nhiều bạn bè khác. Và cứ như thế, đã rất nhiều người từ có điều kiện đến điều kiện trung bình hoặc không có đã cố gắng dành dụm tiền để dự trữ an cung ngưu hoàng hoàn trong nhà với giá đắt “cắt cổ”.
An cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng phòng trị đột quỵ như quảng cáo.
Theo quan điểm của y học cổ truyền
Theo TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, mỗi viên an cung ngưu hoàng hoàn có 11 vị bao gồm: chu sa, hoàng cầm, hoàng liên, hùng hoàng, mai phiến (băng phiến), ngưu hoàng, chi tử, tê giác, trân châu, uất kim, xạ hương. Tán bột luyện với mật ong, làm viên hoàn mỗi viên 4g. Với các loại thuốc kết hợp này, các viên hoàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khai khiếu, trấn kinh an thần. Thuốc được dùng để điều trị nhiệt độc đi vào huyết, vào phần dinh của cơ thể, làm tổn thương kinh lạc, bệnh nhân sốt cao, hôn mê, lên cơn co giật. Trong cuốn sách “Thuốc Đông y hiệu nghiệm” đã đăng chuyên mục: Học viện Trung y Thượng Hải Trung Quốc đã dùng bài thuốc này điều trị cho bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) viêm màng não, viêm não tủy, viêm não B, lỵ nhiễm độc, viêm phổi nhiễm độc, hôn mê gan do nhiễm độc trên 200 bệnh nhân kết quả tốt. Ngoài ra, thuốc còn được dùng để điều trị cho một số bệnh nhân uống nhiều rượu, bia làm gan nóng, huyết nhiệt dẫn đến cao huyết áp, xuất huyết não có kết quả tốt, một số trẻ em và người lớn mắc chứng viêm não, viêm não B, bệnh nhân nhồi máu não. Những trường hợp bênh nhân bị viêm thận, suy thận, huyết áp cao, bệnh nhân cường tuyến thượng thận, xuất huyết não, mỡ máu cao, người mắc bệnh tim mạch không có tác dụng. Đây là bài thuốc điều trị một số chứng bệnh cụ thể như đã nói ở trên, không có tác dụng phòng bệnh. Những người mua và uống thuốc để phòng, chống bệnh đột quỵ là không có cơ sở. Bài thuốc không có tác dụng điều trị ung thư (Nham) và không phải bài thuốc bổ nên người tiêu dùng không nên nghe theo lời đồn thổi mà tiền mất tật mang.
Công văn số 11393/QLD-ĐK của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng ghi rõ, thuốc chống chỉ định cho các trường hợp tai biến mạch máu não, viêm não thể thoái chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, người suy giảm chức năng gan, thận.
Theo quan điểm của y học hiện đại
GS.TS. Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, theo nhà sản xuất, thuốc an cung ngưu hoàng hoàn có rất nhiều tác dụng, trong đó chỉ có một phần nhỏ ghi công dụng đối với đột quỵ nhưng chỉ dùng cho trường hợp thiếu máu não chứ không dùng cho người bị chảy máu não và thuốc rất khó phân biệt chất lượng khi mua cũng như khi sử dụng. Trong thành phần của thuốc có sừng tê giác nhưng vị thuốc này không có tác dụng chống đột quỵ. Hơn nữa, ngay tại Trung Quốc, “quê hương” của loại thuốc này, an cung ngưu hoàng hoàn cũng không được sử dụng để phòng ngừa đột quỵ. Ngoài ra, người tiêu dùng nên thông thái hơn trong việc sử dụng thuốc và cần biết rằng, không nên uống thuốc dự phòng đột quỵ vì các thuốc dự phòng vào cơ thể đều được thải trừ sau 4 giờ uống thuốc. Nếu muốn thuốc tồn tại trong vòng 7 ngày thì cần phải được chế tạo bằng công nghệ micro hoặc viên thuốc được bao bọc bằng chất liệu đặc biệt để có thể giữ lại trong dạ dày.
Do vậy, biện pháp tốt nhất để dự phòng đột quỵ theo khoa học chính là loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì... bằng các chế độ ăn uống, luyện tập để duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ bệnh. Khi xuất hiện một hoặc nhiều những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ như đột nhiên tê dại nửa người, mờ một mắt, nói ngọng, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu không rõ nguyên nhân thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị đột quỵ gần nhất để được điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất những hậu quả của bệnh. Nếu bệnh nặng sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn với sự đảm bảo về y tế như ôxy, chỉ số huyết áp...