Thực hư điều hòa biến tần tiết kiệm điện

14-07-2022 14:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Điều hòa biến tần (điều hòa sử dụng công nghệ inverter) khá phổ biến trên thị trường, có giá thành cao hơn vì được cho rằng tiết kiệm điện hơn khi sử dụng. Thực hư điều này thế nào?

6 điều giúp bảo vệ làn da trong phòng điều hòa6 điều giúp bảo vệ làn da trong phòng điều hòa

SKĐS - Mùa hè đã bắt đầu, chúng ta hầu như phải ở trong phòng điều hòa. Hãy thử những mẹo này để đảo ngược tác dụng phụ không mong muốn.

Thiết bị biến tần cũng tiêu thụ điện

Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn trao đổi về về điều hòa biến tần có thể tiết kiệm điện hay không, tiết kiệm nhiều hay ít. Cơ sở khoa học để tiết kiệm điện của điều hòa biến tần là gì?

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, (Hội Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam) kể câu chuyện cách đây khoảng 20 năm, ông được mời đến dự hội thảo giới thiệu về máy điều hòa biến tần đến từ Nhật Bản. Trong hội thảo và cả trong catalog, người ta giới thiệu khả năng tiết kiệm điện của điều hòa biến tần được 70% điện năng so với máy điều hòa thường.

"Tôi có hỏi lại diễn giả (thường là những nhân viên tiếp thị chứ không phải các nhà khoa học) là làm thế nào để biết được nó tiết kiệm được đến 70%. Diễn giả trả lời: "Chúng tôi thay thế một hệ thống điều hòa cũ không biến tần cho một tiệm bán quần áo bằng một hệ thống máy có biến tần, kết quả là tiền điện giảm đi 70%, ví dụ trước đây phải trả 1 triệu đồng một tháng thì nay chỉ còn 300.000 đồng", GS. Lợi kể.

Hiểu đúng về công nghệ biến tần trên điều hòa nhiệt độ - Ảnh 2.

Nhiều người chọn mua điều hòa biến tần vì nghĩ nó tiết kiệm điện đáng kể.

Thực tế, đây là cách so sánh không khoa học, quảng cáo sai sự thật. Lẽ ra phải so sánh 2 máy có và không biến tần sản xuất cùng thời gian hiện nay có các đặc tính kỹ thuật hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là có hoặc không có biến tần thì người ta lại mang máy có biến tần hiện đại nhất so sánh với máy điều hòa cũ (không biến tần), sản xuất cách đây vài chục năm, đã hết tuổi thọ làm việc, máy nén đã "dão" quá mức cho phép và cần phải thay mới.

GS. Lợi có hỏi về những tiến bộ nào trong máy để có được mức tiết kiệm điện ấn tượng như vậy thì được trả lời là ngoài thiết bị biến tần với hệ thống điều khiển điện tử tự động mới, máy nén đã được cải tiến do sử dụng vật liệu mới, thiết bị trao đổi nhiệt, thiết bị tiết lưu, quạt… cũng được cải tiến có hiệu suất cao hơn… Người ta đã cố ý tính tất cả các tiến bộ đó cho máy biến tần. Đúng ra, chỉ được tính phần tiết kiệm điện do biến tần mang lại đó là chuyển máy nén từ chế độ làm việc on/off sang chế độ chạy liên tục với tốc độ thay đổi tùy theo tải lạnh thay đổi của phòng.

Theo nghiên cứu và công bố của tác giả người Nhật YOKOYAMA tại một hội thảo ở Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, quảng cáo về máy điều hòa biến tần tiết kiệm được 50% điện tiêu thụ là hoàn toàn thổi phồng.

Ở nhiệt độ ngoài nhà khoảng 33 độ C thì 2 máy điều hòa có hệ số hiệu quả năng lượng (COP) bằng nhau. Khi nhiệt độ ngoài nhà giảm (chạy ở chế độ giảm tải) thì máy biến tần có COP cao hơn, từ 0% ở 33 độ C đến khoảng 8% ở 17 độ C; nhưng khi nhiệt độ ngoài nhà tăng thì COP của máy không biến tần lại cao hơn máy có biến tần. 

Ví dụ ở 35 độ C, thì COP của máy không biến tần là 4,2 còn của máy biến tần là 4,0. Nghĩa là ở 35 độ C, máy biến tần tiêu tốn nhiều hơn máy không biến tần khoảng 9% điện. Nếu nhiệt độ ngoài nhà lên đến 37 độ C hoặc cao hơn thì COP của máy biến tần còn giảm mạnh hơn theo tỷ lệ.

Vì sao lại xảy ra hiện tượng này? Vì máy biến tần phải tiêu tốn thêm từ 6 ÷ 10% điện năng cho riêng thiết bị biến tần. Nghĩa là thiết bị biến tần cũng tiêu thụ điện.

Đừng trông chờ vào công nghệ biến tần                            

Hiện nay để đánh giá tiết kiệm năng lượng (TKNL) của máy điều hòa biến tần và không biến tần, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7801:2013 đánh giá theo hiệu suất mùa làm lạnh CSPF (Cooling Seasonal Performance Factor).

CSPF chính là COP trung bình của COP tại các nhiệt độ ngoài trời khác nhau nhân với thời gian xuất hiện nhiệt độ đó tại địa phương lắp đặt chia cho tổng thời gian của cả mùa làm lạnh, với giả thiết là máy điều hòa chạy liên tục cả mùa hè (toàn bộ thời gian có nhiệt độ ngoài trời trên 17 độ C).

Tiêu chuẩn Nhật chọn 17 độ C là điểm chuyển mùa, từ mùa nóng sang mùa lạnh. Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10273:2013 (ISO 16358:2013) chọn điểm chuyển mùa là 20 độ C.

Theo phòng thử nghiệm VINACOMIN thử theo TCVN, CSPF tính theo tổng thời làm việc mùa hè khi có nhiệt độ ngoài trời từ 20 độ C trở lên), thì các máy điều hòa không biến tần đa số là loại 3 sao, và loại biến tần là 5 sao, một số đạt trên 5 sao. Như vậy ở thị trường Việt Nam thì máy biến tần có CSPF trung bình cao hơn khoảng trên dưới 15% so với máy không biến tần.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đức Lợi thấy CSPF của TCVN vẫn không phù hợp trong điều kiện sử dụng điều hòa tại Việt Nam vì các gia đình ít ai bật điều hòa khi trời mát 20 ÷ 26 độ C, mà chỉ bật khi nhiệt độ khoảng gần 30 độ C trở lên.Vùng này lại chính là vùng máy điều hòa biến tần hoạt động tốn điện hơn máy không biến tần. Đối với hoàn cảnh sử dụng tại Việt Nam, có thể phải tính CSPF ở dải nhiệt độ cao hơn ví dụ ở nhiệt độ ngoài trời từ 25; 26 độ C trở lên chẳng hạn thì mới hợp lý, chứ không phải 20 độ C.

Cần vệ sinh và bảo quản máy lạnh thường xuyên để giúp loại sạch bụi bẩn, giảm ma sát, tắc nghẽn đường hút và thổi gió của điều hòa. Bụi bẩn chính là nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp điều hòa giảm hiệu suất hoạt động, khiến máy phải hoạt động với công suất cao hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
KS Nguyễn Huy Bạo

Do vậy có thể kết luận, tiết kiệm năng lượng khi sử dụng điều hòa không nên chỉ trông chờ vào công nghệ biến tần.

Để tiết kiệm điện cho điều hòa, theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ Thuật Quân sự, cần để điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý từ 26-28 độ C, tuyệt đối không để mức nhiệt quá thấp. Để tạo ra không khí mát cho khắp phòng, hãy bật chế độ quạt gió tự động, khi đó gió sẽ thổi lên xuống, trái phải đều khắp căn phòng và tiết kiệm điện vì công suất thổi tự động của quạt nhỏ hơn các chế độ khác.

Sau bước khởi động máy, không nên chọn nhiệt độ quá thấp cho điều hòa. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn. Sau khi tắt điều hòa thì có thể ngắt luôn aptomat (công tắc nguồn điện vào máy). Việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy. Không nên bật, tắt máy nhiều lần trong ngày. Hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.

Cách đơn giản nhất để giảm tải cho máy lạnh, điều hòa đó chính là ngăn cản nắng chiếu trực tiếp lên dàn nóng. Với cách này bạn có thể giảm nguy cơ dàn nóng ngưng hoạt động vì nhiệt độ ngoài trời quá cao, máy hoạt động quá tải và đương nhiên giúp tiết kiệm điện nữa. Ngoài ra, việc lắp đặt dàn nóng ở nơi tránh mưa, nắng trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng cũng chính là cách giúp tăng tuổi thọ cho thiết bị.

Bảo dưỡng điều hòa: "Hãng lớn" lên app tranh khách, thợ tự do lo mất việcBảo dưỡng điều hòa: 'Hãng lớn' lên app tranh khách, thợ tự do lo mất việc

Thợ bảo dưỡng, sửa chữa điều hoà đang bị cạnh tranh, có nguy cơ mất việc bởi hàng loạt đơn vị nhảy vào phân khúc này nhờ lợi thế về công nghệ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vụ 2 nghệ sỹ Việt bị bắt tại Tây Ban Nha: Xử trắng án mới được  về nước| SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn