Hà Nội

Thực hư công dụng của thiết bị test nhanh thực phẩm

13-05-2016 07:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Lo lắng trước thực phẩm không an toàn, nhiều bà nội trợ đang chi hàng triệu đồng để mua sản phẩm máy đo thực phẩm - là máy kiểm tra hàm lượng nitrat (NO3)...

Lo lắng trước thực phẩm không an toàn, nhiều bà nội trợ đang chi hàng triệu đồng để mua sản phẩm máy đo thực phẩm - là máy kiểm tra hàm lượng nitrat (NO3) (thực ra là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat) tồn dư trong thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trái cây) với mong muốn lựa chọn được thực phẩm an toàn để sử dụng. Thế nhưng, theo ThS. Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, nhiều người tiêu dùng đang lầm tưởng thiết bị này là  “chiếc máy vạn năng” giúp lựa chọn được thực phẩm an toàn, trong khi thực tế thiết bị này cũng chỉ kiểm tra được hàm lượng nitrat đơn thuần và việc chỉ kiểm tra hàm lượng nitrat không thể khẳng định thực phẩm có an toàn hay không...

Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh chỉ mang tính sàng lọc

Vào mạng, chỉ cần đánh từ khóa “máy đo nitrat trong thực phẩm”, trong vài giây, chúng ta cũng đã tìm được hàng vài chục ngàn kết quả. Theo quảng cáo, sản phẩm được sự công nhận của Chính phủ Liên bang Nga và đã có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU... và làm mẫu đo chuẩn trong các phòng thí nghiệm tại các trường đại học danh tiếng. Máy cũng được Bộ Y tế Việt Nam cấp chứng nhận lưu hành. Loại máy này được giới thiệu sẽ giúp người tiêu dùng tìm ra nguồn thực phẩm an toàn, tươi ngon, giúp kiểm soát hoàn toàn lượng nitrat tồn dư trong thực phẩm. Thiết bị còn có khả năng phát hiện các loại thực phẩm ôi thiu, sử dụng nhiều chất bảo quản thực phẩm, chất tẩy rửa tổng hợp...

Ảnh: Internet.

Để sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần cắm đầu kim của máy vào thực phẩm, chỉ từ 15-20 giây sẽ cho ngay kết quả.

Tuy nhiên, liên quan đến việc hiện có một số thông tin tỏ ra hoang mang bởi thông số nitrat mà bộ test này đưa ra có dao động, ngưỡng cao khiến người dân không dám dùng thực phẩm. Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ThS. Đỗ Hữu Tuấn cho biết, không phải là “máy” đo nitrat trong thực phẩm mà đây là thiết bị kiểm tra nhanh hàm lượng nitrat trong rau củ quả, thịt. Cần lưu ý là kết quả của bộ test thử nhanh thực phẩm này chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc.

Cũng theo ông Tuấn, để đánh giá được sản phẩm rau, thịt, trái cây có an toàn hay không thì chỉ tiêu nitrat chỉ là một trong rất nhiều chỉ tiêu chứ không thể căn cứ vào đó để đánh giá ngay được. Một thực phẩm có an toàn hay không còn phải dựa vào kiểm tra định lượng trong phòng thí nghiệm và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác. Do vậy, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thông tin đầy đủ... sử dụng sản phẩm đúng mùa, đúng vụ.

Sẽ xử lý nghiêm nếu tiếp tục phát hiện có sai phạm

Về thông tin cho rằng hiện việc quảng cáo sản phẩm này không đúng với các thông tin đã đăng ký, ông Tuấn nói rõ: Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh qua báo chí, Cục đã kiểm tra lại quy trình cấp phép cho bộ test nhanh thực phẩm này. Theo đó, quy trình cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm này được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18/3/2014. Mặc dù sản phẩm này đã được cấp lưu hành tại Liên bang Nga, nhưng trước khi Cục ATTP cấp lưu hành cho sản phẩm, Cục đã đề nghị 3 đơn vị là Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, Trung tâm Questest 1 của Bộ Khoa học Công nghệ và Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo nghiệm lại kết quả của sản phẩm này rồi đưa ra hội đồng tư vấn xem xét. 3 cơ quan này đều khẳng định kết quả của sản phẩm đạt yêu cầu, có sai số trong ngưỡng cho phép. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng mới cho phép lưu hành. Đồng thời, Cục cũng chỉ cấp phép cho thiết bị này để kiểm tra duy nhất chỉ tiêu nitrat và phạm vi ứng dụng cũng chỉ trên một số sản phẩm nhất định.

Trên thực tế, sau khi phát hiện trên một số trang web có quảng cáo sản phẩm này không đúng khi viết là “máy kiểm tra ATTP” dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm thiết bị này là chiếc “máy vạn năng” trong việc giúp họ lựa chọn thực phẩm an toàn, trong khi thực tế đây chỉ là thiết bị test nhanh. Cục ATTP đã đề nghị đơn vị chịu trách nhiệm đăng ký/quảng cáo sản phẩm này đến làm việc và họ đã cam kết chỉ quảng cáo đúng nội dung sản phẩm được cấp phép và chỉ quảng cáo trên trang web chính thức của họ. Đối với một số trang web khác, đơn vị này cho rằng không phải trang web của họ. Tuy nhiên, Cục ATTP đã yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, do đó, công ty phải liên hệ với các trang web để dỡ các thông tin quảng cáo thổi phồng. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, có thể thu hồi giấy chứng nhận đã cấp” - ông Tuấn khẳng định.

Qua đây, ông Tuấn cũng khuyến cáo người tiêu dùng nếu chọn mua sản phẩm test nhanh thực phẩm thì phải hiểu được giới hạn sử dụng của sản phẩm, chỉ mua sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình sử dụng cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm và y tế cho rằng, hầu hết sản phẩm thiết bị test nhanh thực phẩm đang được bán trên thị trường đã “đánh” trúng vào tâm lý của người dân lo ngại trước tình trạng mất ATVSTP. Tuy nhiên người tiêu dùng không nên lạm dụng hay tin tưởng quá nhiều vào các sản phẩm, thiết bị này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác và ngăn chặn được các mối nguy hại trong thực phẩm.


Bình Thái
Ý kiến của bạn